CBGV & Sinh viên FPT Edu tham dự Academic Seminar về NCKH cùng PGS. TS. của ĐH Công nghệ PETRONAS, Malaysia

Nhằm thúc đẩy hoạt động NCKH của CBGV & SV FPT Edu - Cần Thơ, Academic Seminar đã được tổ chức với sự tham gia chia sẻ từ PGS. TS. Satirenjit Kaur Johl - Lãnh đạo sau đại học về Nghiên cứu Quản lý tại Đại học Công nghệ PETRONAS vào ngày 12/4/2023 tại Trường Đại học FPT Cần Thơ. 


Nhằm tạo cơ hội cho Khối ngành Kinh tế nói riêng, các khối ngành nói chung tiếp cận được Nghiên cứu khoa học quốc tế, Đại học FPT Cần Thơ đã tổ chức buổi giao lưu với Phó giáo sư, Tiến sĩ Satirenjit Kaur Johl. Được biết, Cô Satirenjit Kaur Johl có nhiều năm kinh nghiệm làm việc về IBM và Boustead Holdings và hiện đang đảm nhiệm vai trò Lãnh đạo sau đại học về Nghiên cứu Quản lý, Đại học Công nghệ PETRONAS, Malaysia (xếp thứ hai về đào tạo lĩnh vực Công nghệ tại Malaysia).

 

 

Hội thảo được chia thành 2 buổi chia sẻ: Quy trình đăng báo nghiên cứu khoa học có sức ảnh hưởng (buổi sáng) và Cải tiến kinh tế để phát triển bền vững (buổi chiều). Đặc biệt, tiếng Anh là ngôn ngữ duy nhất được sử dụng xuyên suốt thời gian giao lưu giữa Cô Satirenjit Kaur Johl, CBGV và các bạn sinh viên.

 

 

Bắt đầu buổi hội thảo, Thầy Võ Minh Sang - Chủ nhiệm Bộ môn Quản trị kinh doanh thay mặt toàn thể giảng viên và sinh viên nêu lý do tổ chức buổi hội thảo: "Nghiên cứu khoa học là hoạt động quan trọng của sinh viên ở đại học. Tại Đại học FPT Cần Thơ, có nhiều bài nghiên cứu khoa học của sinh viên và giảng viên đã thành công đăng báo quốc tế. Để tạo nhiều cơ hội trao đổi với chuyên gia về nghiên cứu khoa học, Đại học FPT Cần Thơ tổ chức hội thảo này. Chúc các giảng viên và sinh viên sẽ có trải nghiệm tốt đẹp với diễn giả hôm nay - Cô Satirenjit Kaur Johl."

 

 

Sau khi mở đầu buổi hội thảo với thông tin sơ lược về Đại học Công nghệ Petronas, Cô Satirenjit Kaur Johl bắt đầu chia sẻ về phương thức viết hoàn chỉnh và đăng báo bài nghiên cứu khoa học: "Xuất bản một bài báo nghiên cứu khoa học không đơn giản là chỉ viết mà đó là cả 1 quá trình gồm 5 giai đoạn: Xác định tiền đề làm nghiên cứu, viết bài, nộp nghiên cứu, đợi góp ý và chỉnh sửa nghiên cứu, và đợi đăng báo. Trong đó, giai đoạn đầu là quan trọng nhất. Bạn cần xác định xem bài nghiên cứu sẽ giải quyết được vấn đề gì thuộc lĩnh vực đang học hoặc đang làm ở đất nước của bạn. Nếu bạn chưa có ý tưởng, đọc nhiều nghiên cứu ở lĩnh vực (từ 5 năm trước trở lại), đọc calls for papers (chiêu mộ bài nghiên cứu) hoặc báo cáo từ các diễn đàn như ASEAN, United Nations để xác định và hiểu vấn đề nào đang nổi trội. Từ đó, lựa chọn từ khóa và tiêu đề phù hợp với nhu cầu tìm kiếm thông tin của độc giả." Bên cạnh, diễn giả còn chỉ ra vấn đề của đa số các nhà nghiên cứu mới: Sợ bài báo bị "rejected" (từ chối) nên không dám viết. Theo tiến sĩ, phần lớn bài nghiên cứu khoa học bị từ chối là do không làm theo hướng dẫn hoặc nộp sai lĩnh vực của báo. Thế nên, thay vì sợ bị rejected, bạn cần học từ những lỗi sai đó để không mắc phải ở những lần đăng báo tiếp theo.

 

 

Buổi chiều, hội thảo tiếp tục với nội dung Phát triển bền vững thu hút nhiều giảng viên và sinh viên ý thức về bảo vệ môi trường đến tham dự. Để chứng minh tính cấp bách của ô nhiễm môi trường, Cô Satirenjit Kaur Johl đưa ra những số liệu về hiệu ứng nhà kính và dẫn chứng bằng các thông tin về Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Tiến sĩ chỉ ra không chỉ chính phủ ban hành những điều luật bảo vệ môi trường mà cả doanh nghiệp và nhà đầu tư cũng bắt đầu chú trọng đầu tư công nghệ xanh do những lợi ích mà nó mang lại: “Đổi mới sinh thái (Eco-Innovation) có nhiều ảnh hưởng đến đời sống xã hội. Cụ thể, ứng dụng sản phẩm xanh vào sản xuất và đời sống giúp cải thiện sức khỏe cộng đồng, tạo công ăn việc làm, nâng cao tinh thần trách nhiệm của khách hàng tiêu thụ cũng như nhà máy sản xuất và cuối cùng là giảm hiệu ứng nhà kính qua việc sử dụng các năng lượng sạch hơn.” Ngoài ra, phó giáo sư cũng đưa ra quy trình ứng dụng đổi mới sinh thái vào công nghệ sản xuất nhựa. Cuối hội thảo, cô còn mở khảo sát để đánh giá mức độ quan tâm của mọi người đến kinh tế tuần hoàn và trả lời những thắc mắc của thính giả.

 

 

Buổi giao lưu với Cô Satirenjit Kaur Johl đã kết thúc thành công và tốt đẹp. Thông qua hội thảo, Đại học FPT Cần Thơ hy vọng các bạn sinh viên đã có cơ hội thể hiện khả năng ngôn ngữ, tiếp thu những kiến thức nghiên cứu khoa học quý giá từ Phó giáo sư, Tiến sĩ Satirenjit Kaur Johl. 

Bài viết: Minh Trang - Ảnh: Duy Khang

Tin tức Liên quan