Trong buổi bảo vệ khoá luận của sinh viên K13 ngành Ngôn ngữ Nhật Đại học FPT Cần Thơ, nhiều đề tài thuộc đa dạng lĩnh vực đã được các nhóm sinh viên trình bày, phân tích chi tiết và được Hội đồng đánh giá cao.
Với đặc thù của ngành học, sinh viên ngành Ngôn ngữ Nhật Đại học FPT được trang bị nền tảng kiến thức chuyên môn vững vàng và khả năng tiếng Nhật vượt trội. Sử dụng thế mạnh này, các bạn sinh viên tham gia buổi bảo vệ đều trình bày khoá luận của mình hoàn toàn bằng tiếng Nhật một cách tự tin với chủ đề thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như tâm lý, giáo dục, chính trị, kinh tế, xã hội,…
Mang đến buổi bảo vệ đề tài “Vẻ đẹp Giáo dục Gia đình Nhật Bản”, nhóm sinh viên Kim Nhựt, Kiều Anh, Minh Thi, Tuyết Thanh trình bày tóm tắt nội dung và quá trình thực hiện biên dịch quyển sách của tác giả Maruyama Toshiaki, đồng thời mang đến cho người xem cái nhìn rõ nét hơn về cách người Nhật giáo dục con cái ở quá khứ và các đề xuất nhằm phục hồi giáo dục Nhật Bản ở thời điểm hiện tại. Thông qua 4 bài học với nhiều triết lý đáng suy ngẫm về giáo dục, chúng ta có thể thấy được tầm quan trọng của gia đình trong việc giáo dục một đứa trẻ cũng như những phương pháp giáo dục đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao.
Là nhóm có đông thành viên nhất, Minh Sang, Bích Hà, Quỳnh Như, Thuý Duy, Ngọc Cầm, Anh Thư tự tin trình bày dự án dịch sách “Trân quý 365 ngày theo phong cách Nhật Bản” với lượng kiến thức phong phú và thú vị về mỗi một ngày trong năm có ý nghĩa như thế nào đối với người Nhật. Quyển sách giới thiệu các từ ngữ, thể hiện sự chuyển mùa, các ngày kỷ niệm và các lễ hội thường niên gắn liền với 365 ngày. Từ đó, giúp người đọc được hiểu thêm về đất nước và con người Nhật Bản cũng như trân trọng cuộc sống này hơn nữa.
Khai thác lĩnh vực chính trị Nhật Bản, nhóm sinh viên Ái My, Kiều My, Cẩm Nhung, Ngọc Quỳnh giới thiệu quyển sách “Vượt qua khủng hoảng quốc gia” của tác giả Sakurai Yoshiko, tập trung chủ yếu vào chính trị Nhật Bản trong giai đoạn 2009 đến 2011. Quyển sách được viết ra để nêu lên cảm nghĩ của mình và cả những người dân Nhật Bản đang phải sống dưới chế độ chính phủ mà những người đứng đầu không có tầm nhìn quốc gia và không lắng nghe người dân. Đứng trên lập trường của người dân Nhật Bản, bà Yoshiko tỏ thái độ gay gắt và chỉ rõ những mặt yếu kém của những chính sách đối phó mềm yếu, nhượng bộ đối với các quốc gia như Mỹ, Nga, Trung Quốc thời bấy giờ.
Với quân số chỉ 3 thành viên nhưng Cẩm Tiên, Khánh Linh, Kim Láng hoàn toàn tự tin trong phần trình bày dự án nghiên cứu về “Phong tục của Nhật Bản”. Thông qua bản dịch sách, nhóm mong muốn sẽ giới thiệu cho những ai thích tìm hiểu về văn hóa và phong tục của Nhật Bản để họ có thể hiểu và cảm nhận được ý nghĩa và nội dung mà tác giả muốn truyền tải. Bên cạnh đó, nhóm cũng có thể hiểu hơn về đất nước cũng như con người Nhật Bản để có thể giúp ích trong việc học ngoại ngữ của bản thân.
Quỳnh Anh, Song Toàn, Vũ Mai, Xuân Thảo lựa chọn quyển sách thuộc lĩnh vực Tâm lý học “Đưa ra quyết định đúng đắn” được xuất bản năm 1997. Cuốn sách bao gồm một phạm vi khá rộng ở lĩnh vực liên quan đến việc ra quyết định, đi từ cấp độ vi mô là khả năng nhận thức của con người đến cấp độ vĩ mô là việc ra quyết định tập thể. Mục đích cuối cùng của quyển sách này là giúp người đọc phát triển phán đoán tổng hợp về việc đưa ra quyết định, nghĩa là nó cung cấp kiến thức về hoàn cảnh và những điều cần lưu ý để đưa ra quyết định đúng đắn. Quỳnh Anh chia sẻ “Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình dịch sách và phải chỉnh sửa khá nhiều lần mới có được ấn phẩm này nhưng tụi em rất hài lòng vì đã hoàn thành được dự án, nhờ đó, tụi em được học hỏi thêm rất nhiều về cả kiến thức tâm lý và kỹ năng ngôn ngữ.”
Bên cạnh khả năng tiếng Nhật, các bạn tham gia bảo vệ cũng thể hiện tốt tác phong chỉn chu, tự tin trình bày đề tài của mình với phần kiến thức chuyên môn vững vàng. Sau phần trình bày, Hội đồng đánh giá đã đưa ra những nhận xét xác đáng nhất, ghi nhận những đóng góp của các đề tài và hướng dẫn các bạn sinh viên những điểm cần hoàn thiện hơn.
Đại học FPT Cần Thơ