Đại học FPT Cần Thơ

Cựu sinh viên Đại học FPT chia sẻ thực tế làm việc tại Facebook Mỹ

15 Tháng chín, 2021 Không có bình luận

Tốt nghiệp thủ khoa đại học năm 2012, Đoàn Văn Cao từng bước chinh phục các công ty công nghệ hàng đầu và hiện làm cho ông lớn Facebook tại Mỹ.

Chia sẻ về cơ duyên đến với gã khổng lồ công nghệ Facebook, Đoàn Văn Cao (sinh năm 1990, Nam Định) cho biết đã hai lần nhận được lời mời từ nhà tuyển dụng Facebook nên quyết định thử sức và thành công ngay lần phỏng vấn đầu với vị trí kỹ sư cùng nhiều mức đãi ngộ hấp dẫn.

Từ khi ngồi trên ghế nhà trường, Cao đã luôn nằm trong top những sinh viên có điểm số cao, học bạ ấn tượng và nhận được nhiều lời mời thực tập, làm việc. Vì vậy, ngay sau khi tốt nghiệp thủ khoa ĐH FPT năm 2012, anh đầu quân cho một công ty công nghệ có tiếng tại Việt Nam.

Tại đây, với kinh nghiệm thực tập từ khi còn là sinh viên, cùng vốn ngoại ngữ tiếng Nhật đã giúp Cao nhận được nhiều dự án lớn và thường xuyên làm việc với đối tác Nhật Bản. Ba năm sau, chàng trai Nam Định muốn tiếp tục thử sức với khách hàng nói tiếng Anh nên xin chuyển sang các dự án với khách hàng Mỹ và may mắn khi được nhận ngay các dự án mới.

Chia sẻ về những khó khăn khi thường xuyên tiếp xúc, làm việc với các đối tác đến nhiều quốc gia trên thế giới, chàng trai Nam Định thừa nhận bản thân từng thay đổi nhiều môi trường, từ quê lên cấp ba Hà Nội, từ trường cấp ba chỉ biết học sang ĐH FPT “nổi loạn”, rồi từ Việt Nam sang Mỹ, từ FPT sang Facebook. “Các môi trường này đều không liên quan đến nhau, nhưng nếu mình luôn giữ được lý tưởng đối xử với người khác bằng tâm thế bất biến thì việc hoà nhập sẽ không quá khó khăn. Vì vậy, tôi gần như không gặp trở ngại gì khi hoà nhập môi trường mới”, Cao cho hay.

Với Facebook cũng vậy, Cao tiết lộ bản thân trúng tuyển vào tập đoàn công nghệ hàng đầu này nhờ vượt qua nhiều vòng thi tuyển từ kỹ năng coding, kinh nghiệm giải quyết các bài toán thực tế, nhưng quan trọng nhất là cách giải quyết xung đột trong công việc, cách làm việc với đồng nghiệp. Đây là những vòng có thể gọi là kỹ năng mềm để quyết định phong cách của mình có hợp với công ty hay không.

Trở thành kỹ sư của một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới, Cao thấy sự khác biệt lớn nhất so với môi trường cũ là cách vận hành các đội dự án. Ở FPT khái niệm làm việc nhóm thể hiện rõ ràng hơn. Mọi người làm việc theo từng nhóm nhỏ và sẵn sàng giúp đỡ, bọc lót lẫn nhau để hoàn thành công việc. Trưởng nhóm thường sẽ là người chịu trách nhiệm cuối cùng cho công việc của cả nhóm.

Ở Facebook các cá nhận hoạt động độc lập hơn. Mỗi người có thể đi tìm sự giúp đỡ từ người khác nếu cần nhưng vẫn chịu trách nhiệm cho toàn bộ công việc của mình, từ phân tích yêu cầu, triển khai, kiểm thử, đến đưa đến tay người dùng. Lợi thế của mô hình này là mỗi người sẽ chủ động hơn trong kiểm soát khối lượng công việc và thời gian làm việc của riêng mình.

Về mức lương, 9X Việt thấy có sự khác biệt lớn giữa mức lương ở Việt Nam và Mỹ. Anh tiết lộ, các sinh viên mới ra trường (junior engineers), mức lương trung bình ở Facebook là 180.000 USD một năm, những người có nhiều kinh nghiệm (senior engineers) thì khởi điểm trung bình sẽ là 389.000 USD một năm.



Một điểm ấn tượng nữa là môi trường làm việc. Facebook rất quan tâm đến nhân viên, tạo điều kiện tối đa để nhân viên làm việc, như cơ sở vật chất, đồ ăn nước uống, đãi ngộ, khiến anh cảm giác được chăm sóc chu đáo.



Làm việc trong môi trường công nghệ hàng đầu thế giới, Cao khẳng định, áp lực nằm ở chính mình. Nếu ở những môi trường khác, áp lực đến từ nhiều phía như đồng nghiệp, nhiều cấp cán bộ quản lý… thì ở đây thường là do mình muốn tiến xa đến mức nào thì tự tạo cho bản thân áp lực để đạt được điều đó.

Cũng theo kỹ sư Facebook, môi trường này rất phù hợp với những người chủ động tìm kiếm cơ hội để cải thiện năng suất cho tổ chức hoặc cải thiện chất lượng sản phẩm và có khả năng triển khai những ý tưởng đó. “Ở một môi trường mở thì bạn phải có khả năng bảo vệ được ý tưởng của mình. Kết quả nếu tốt chắc chắn sẽ gây sự chú ý và được ghi nhận”, Cao nhấn mạnh.

Đúc rút kinh nghiệm thành công đến thời điểm hiện tại, 9X Việt cho rằng dám nghĩ, dám nói, dám làm và làm được việc là những tố chất được hầu hết các công ty săn đón. Đặc biệt, những tố chất này mang đậm “chất FPT”.

“Sinh viên ĐH FPT rất tự tin thể hiện trong môi trường làm việc, cầu tiến, và thích nghi tốt với dự án, môi trường mới. Tôi đánh giá đây đều là những điểm mạnh của người Việt nói chung, nhưng sinh viên ĐH FPT thể hiện được tố chất từ sớm hơn ngay cả khi chưa ra trường”, Cao cho hay.

Từng là sinh viên ĐH FPT khoá 2008-2012, Cao nhớ lại, trường tổ chức thi tuyển đầu vào hai lần trong năm và phải đến lần thử sức thứ hai anh mới đủ điểm để xét tuyển học bổng. Cao học chuyên Toán – Tin những năm cấp ba nên có lợi thế với cách thi tuyển dùng Toán logic của trường.

Trong trí nhớ của Cao, những năm đầu thành lập, ĐH FPT là một môi trường khác biệt: cơ sở vật chất tốt; chương trình học được thiết kế hiện đại, thực tiễn cao; giáo trình được “bê” nguyên từ nước ngoài về; lớp học nhỏ gọn không bị quá tải; đội ngũ giáo viên trẻ trung và chuyên nghiệp. “Cho đến tận bây giờ, đây vẫn là những lợi thế cạnh tranh của ĐH FPT so với phần lớn các trường khác”, 9X nhận định.

Ngoài ra, kỹ sư Facebook bật mí giai đoạn đáng giá nhất trong chương trình bốn năm học của ĐH FPT là thời gian thực tập. Anh chia sẻ: “Tôi theo học Software Enginering, ngành học ngày ấy sẽ kiếm được suất đi thực tập từ khá sớm ở FPT Software nếu kết quả học tập tốt. Sinh viên ĐH FPT đi thực tập thường bắt nhịp và đóng góp vào thực tế dự án được rất nhanh do kiến thức được trang bị tốt. Thời gian thực tập cũng đủ dài để sinh viên xây dựng được tầm ảnh hưởng và các mối quan hệ tốt với các đơn vị”.

Thậm chí Cao còn cho rằng, môi trường học tập và làm việc ở ĐH FPT đã chuẩn bị cho sinh viên tất cả những gì nhà tuyển dụng cần, từ kiến thức thuật toán cơ bản những năm học đại học, đến kinh nghiệm dự án nhiều năm làm việc với các khách hàng lớn.

Với 9 năm kinh nghiệm tại các công ty công nghệ nổi tiếng và giờ là Facebook Mỹ, 9X Việt nhận định, để có thể hội nhập toàn cầu thì sinh viên cần được trang bị kỹ năng mềm và kỹ năng chuyên môn, bên cạnh đó là khả năng giao tiếp tiếng Anh tốt.

Về kỹ năng chuyên môn, sinh viên cần phải học tốt các môn trên trường để có thể hiểu vấn đề từ gốc, từ đó làm chủ được kiến thức. Có những bạn học không giỏi lắm vẫn làm ổn nhưng thường họ sẽ không hiểu tường tận vấn đề. Trong khi đó, những người học giỏi thường nắm kiến thức cơ bản chắc và có nhiều cơ hội để tiến xa hơn.

Kỹ năng mềm là cách bạn làm việc nhóm, giao tiếp với đồng nghiệp, xử lý các tình huống xảy ra ở môi trường làm việc… Theo Cao, đây là kỹ năng quan trọng quyết định việc nhà tuyển dụng có chọn bạn hay không, vì bên cạnh chuyên môn, bạn phải phù hợp với văn hoá của môi trường làm việc đó.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *