Đại học FPT Cần Thơ

Học Nhạc cụ dân tộc ở đại học? Một trải nghiệm thật lạ nhưng cũng thật thú vị!

15 Tháng hai, 2022 Không có bình luận

Theo dòng lịch sử, nhạc cụ dân tộc đã trải qua nhiều thời đại và đa dạng sắc tộc, là đặc trưng bản sắc văn hóa Việt Nam. Thế nhưng, trong thời đại hội nhập, ít người quan tâm đến âm nhạc dân tộc, bởi lẽ “gu” âm nhạc của giới trẻ hiện nay thường hướng về những dòng nhạc trẻ và quen thuộc hơn với Piano, Guitar, Organ,… Nhạc cụ dân tộc trong dòng chảy đương đại đã phần nào mai một đi sự phổ biến. Hiểu được vấn đề này, Đại học FPT đã đưa nhạc cụ dân tộc vào chương trình đào tạo với quy định là một môn học bắt buộc. Điều này giúp “kéo” âm nhạc truyền thống lại gần với giới trẻ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt.

 

 

FPTU là ngôi trường tiên phong trong việc đưa nhạc cụ dân tộc vào chương trình đào tạo

Theo Hiệu trưởng Đại học FPT Nguyễn Khắc Thành, ngay từ những ngày đầu, một trong những mục tiêu của trường là sinh viên có thể hội nhập toàn cầu nhưng vẫn mang trong mình nét đẹp bản sắc văn hóa Việt Nam. Đó là lý do trường Đại học FPT trở thành ngôi trường tiên phong đưa nhạc cụ dân tộc vào chương trình đào tạo và trở thành môn chính khóa.

TS. Nguyễn Khắc Thành – Hiệu trưởng ĐH FPT chia sẻ : “Chúng ta đang nói nhiều đến Toàn cầu hóa. Các bạn trẻ nói chung và sinh viên FPT Edu nói riêng đang hàng ngày học những kiến thức mới nhất về Quản trị doanh nghiệp, về Marketing, về Cloud, về Big Data… Các bạn sẽ bước ra sân chơi lớn, nói với khách hàng bằng tiếng Anh, tiếng Nhật…Chúng tôi chỉ có một kỳ vọng nhỏ bé dù đi đến đâu các bạn cũng vẫn giữ trong tâm hồn mình một tiếng đàn bầu, đàn tranh… để luôn tự hào là người Việt Nam và nói với bạn bè quốc tế về niềm tự hào đó bằng tiếng Nhật, tiếng Anh… Và còn tuyệt vời hơn nữa nếu các bạn có thể nói điều đó bằng ngôn ngữ của âm nhạc”.

 

 

Khi tham gia khóa học nhạc cụ dân tộc, sinh viên sẽ “được” những gì?

Tại đại học FPT Cần Thơ, theo chương trình đào tạo, sinh viên sẽ được lựa chọn 1 trong 3 nhạc cụ: Sáo, đàn tranh, đàn bầu để theo học. Mỗi lớp học sẽ có tối đa 20 sinh viên và bao gồm 28 slot, chia làm 28 buổi (thời gian mỗi slot là 90 phút). Trường đầu tư hẳn không gian to lớn, nhạc cụ xịn sò cho các bạn trải nghiệm một cách tốt nhất.

Theo học khóa nhạc cụ dân tộc, sinh viên không chỉ được trang bị những kiến thức cơ bản nhất về các loại nhạc cụ, mà còn hiểu thêm về nguồn cội, sự ra đời của các loại nhạc cụ qua các thời kỳ phát triển đất nước, từ thời kỳ văn hóa Đông Sơn, văn hóa Đại Việt cho đến nay.  Nghiên cứu nhạc cụ dân tộc chúng ta có thể thấy được hình ảnh đất nước, con người của một quốc gia trải qua hàng ngàn nǎm lịch sử. Đồng thời, cách chúng ta “thưởng thức” các thể loại nhạc cụ dân tộc cũng là đang lưu truyền nét đẹp văn hóa, bảo tồn văn hóa dân tộc Việt Nam giữa dòng chảy đương đại.

Tiếp xúc với nhạc cụ dân tộc, có thể bạn sẽ khám phá ra những tài năng của bản thân mà trước giờ chưa biết đến, biết đâu chừng bạn là một thiên tài âm nhạc đấy! Trải nghiệm nhạc cụ dân tộc chắc chắn sẽ rèn luyện cho bạn tính tập trung, kiên trì và sự tỉ mỉ, quan trọng chính là sự tự tin. Đây chính là tính chất mà các nhà tuyển dụng sẽ cần đến ở bạn. Tin chắc rằng khoảng thời gian chúng ta học tập nhạc cụ dân tộc sẽ giúp sinh viên giảm stress, thư giãn hơn sau các giờ học tập, chạy deadline mệt mỏi. Không chỉ là nơi truyền dạy kiến thức chuyên môn, FPTU còn là nơi nuôi dưỡng tâm hồn bạn qua âm thanh của âm nhạc.

 

 

Sự ra đời các câu lạc bộ, các sự kiện giao lưu nhạc cụ dân tộc tại Đại học FPT Cần Thơ

Nổi tiếng là ngôi trường bậc nhất tại Việt Nam về Công nghệ thông tin – Đại học FPT, chắc hẳn ai cũng nghĩ đa số sẽ là những sinh viên IT khô khan, giỏi lập trình, coding điêu luyện, sẽ luôn cắm đầu vào máy tính, thích gõ bàn phím hơn là gảy đàn hay thổi sáo. Thế nhưng, không quá ngạc nhiên, khi bước vào trường đại học FPT Cần Thơ, thi thoảng sẽ vang lên những âm thanh của tiếng sáo, tiếng đàn tranh hay đàn bầu, tuy vẫn còn khá “non nớt” nhưng chắc sẽ khiến bạn dừng chân lại để cảm nhận món “đặc sản” của FPTU. Không chỉ sinh viên IT, mà những sinh viên Ngôn ngữ hay Kinh tế cũng sẽ khiến bạn “há hốc miệng” trước ngón nghề của mình.

Rất nhiều sinh viên đại học FPT sau khóa học đã đem lòng mê đắm trước âm thanh như ngọc như ngà của nhạc cụ dân tộc Việt. Đừng lo, có ngay các Câu lạc bộ Nhạc cụ dân tộc bao gồm những sinh viên có chung tình yêu dành cho môn Nhạc cụ truyền thống, là nơi cùng chia sẻ đam mê, học hỏi, giao lưu và rèn luyện thêm kiến thức về các loại nhạc cụ.

Các sinh viên đam mê nhạc cụ dân tộc tại FPTU cũng có thể hóa thân thành những nghệ sĩ trong các trải nghiệm tại trường học qua các hoạt động như Lễ Tốt nghiệp, Chào Tân sinh viên,… Những giá trị văn hóa đang bị mai một giữa dòng chảy đương đại lại một lần nữa được thắp sáng tại đại học FPT. Sinh viên FPT, bước ra thế giới với tiếng đàn bầu trong tim.

 

Mơ Châu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *