Ngày 29 và 30/12 đã diễn ra buổi bảo vệ khoá luận của sinh viên K13 ngành Ngôn ngữ Anh Đại học FPT Cần Thơ với sự tham gia của 14 nhóm trình bày hoàn toàn bằng tiếng Anh. Trong đó, nhiều đề tài được đánh giá là mang tính ứng dụng thực tiễn cao vào lĩnh vực giảng dạy và học tập tiếng Anh.
Hầu hết các đề tài bảo vệ đợt này đều tập trung vào lĩnh vực giáo dục đào tạo. Đa số các bài nghiên cứu đều đưa ra nhiều kết quả và đề xuất hữu ích, có thể áp dụng thực tế vào công tác giảng dạy và học tập tại trường đại học.
Lựa chọn nghiên cứu về “Ảnh hưởng của chương trình OJT đến khả năng phát triển cá nhân và nghề nghiệp của sinh viên”, nhóm sinh viên Minh Nhật, Việt Nhi, Huy Hùng, Vân Anh tiến hành phỏng vấn 150 sinh viên bằng bảng hỏi và chọn ngẫu nhiên 15 sinh viên của Đại học FPT Cần Thơ để tham gia phỏng vấn bán cấu trúc. Kết quả cho thấy chương trình OJT có tác động tích cực đến sinh viên, giúp các bạn cải thiện kỹ năng chuyên môn và năng lực cá nhân cho công việc sau này. Ngoài ra, nghiên cứu cũng đưa ra các thuận lợi và bất lợi của chương trình thực tập tại doanh nghiệp nhằm định hướng cho Nhà trường và doanh nghiệp điều chỉnh các nội dung đào tạo trong kỳ OJT phù hợp hơn.
Thực hiện bài nghiên cứu về “Ảnh hưởng của giới tính đến các chiến lược học ngoại ngữ”, Gia Thịnh, Anh Thư, Phú Hào, Hoài Nam kết hợp các dữ liệu định tính và định lượng từ 50 nam sinh và nữ sinh năm nhất đang học tiếng Anh tại Đại học FPT Cần Thơ. Kết quả ngụ ý rằng các chiến lược nhận thức, bù đắp và tính cảm không chịu ảnh hưởng bởi sự khác nhau về giới tính. Tuy nhiên, có sự khác nhau giữa nam và nữ khi sử dụng các chiến lược ghi nhớ, siêu nhận thức và xã hội trong việc học tiếng Anh.
Đưa ra câu hỏi nghiên cứu về “những tố chất tạo nên một giảng viên tiếng Anh giỏi”, Diệu Hiền, Bảo Ngọc, Như Ngọc, Sĩ Phú dựa trên mô hình nghiên cứu đánh giá đa chiều (MDA) để tiến hành phỏng vấn 29 sinh viên tại Trường Đại học FPT Cần Thơ. Kết quả nghiên cứu cho thấy cảm nhận của sinh viên có ý nghĩa quan trọng để làm nên một giảng viên giỏi. Ba yếu tố giúp sinh viên cảm thấy bị lôi cuốn vào bài giảng bao gồm kiến thức chuyên môn, sự nhiệt tình, truyền cảm hứng và sẵn lòng hỗ trợ sinh viên, cũng như phương pháp giảng dạy thú vị.
Trình bày nghiên cứu về mối quan hệ giữa siêu nhận thức và chiến lược đọc hiểu, nhóm sinh viên Triệu Vy, Thành Đạt, Khánh Linh, Tiểu Phụng sử dụng Thang đo siêu nhận thức và Thang đo chiến lực đọc để tìm ra 3 phát hiện chính trong nghiên cứu. Những phát hiện này phần nào có thể giải thích được sự khác biệt giữa hiệu suất đọc của từng sinh viên cũng như hiệu suất đọc của một học sinh cụ thể khi hoàn thành các bài đọc theo thời gian. Điều này có thể làm sáng tỏ việc duy trì không gian và quyền tự chủ trong việc phát triển chương trình để sinh viên hình hành và luyện tập siêu nhận thức của riêng mình.
Dựa vào phân tích ẩn dụ, nhóm sinh viên gồm Mỹ Hảo, Yến Trang, Thuý Duy, Kiều Khanh tìm hiểu nhận thức của sinh viên và giáo viên về vai trò của giáo viên. Kết quả thể hiện rằng có nhiều điểm tương đồng trong việc cảm nhận vai trò của giáo viên giữa giáo viên và sinh viên thông qua hình thức ẩn dụ như giáo viên là một người truyền đạt kiến thức, người hướng dẫn, người ảnh hưởng, người bảo vệ, người nghệ sĩ,…Mặt khác vẫn có sự khác biệt trong cảm nhận giữa 2 đối tượng được phỏng vấn. Nghiên cứu này có thể giúp giáo viên thu thập thông tin và thay đổi phương pháp giảng dạy để phù hợp với ngữ cảnh của lớp học.
Tiếp cận lĩnh vực dịch thuật, Yến Nhi, Minh Thư, Diễm Linh, Cẩm Quỳnh tiến hành khảo sát 125 sinh viên chuyên Anh về những khó khăn khi học môn dịch thuật tại Đại học FPT Cần Thơ. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng có mối liên quan giữa bốn tác nhân bao gồm từ vựng, ngữ pháp, văn hoá và kiến thức nền và chúng đều có những ảnh hưởng nhất định đến quá trình dịch thuật, trong đó từ vựng được xem là khó khăn lớn nhất đối với sinh viên.
Nhận thức được tầm quan trọng của từ vựng đối với việc học tiếng Anh, nhóm sinh viên Trâm Anh, Thanh Hân, Hồng Nhung, Trúc Mai tìm hiểu cách học từ vựng hiệu quả thông qua các trò chơi trong lớp học. Kết quả cho thấy rằng sử dụng trò chơi trong việc dạy và học từ vựng sẽ giúp sinh viên tiếp thu tốt hơn và nhớ lâu hơn, đồng thời khuyến khích việc tham gia phát biểu trên lớp hơn.
Khảo sát 448 sinh viên tham gia học online tại Trường Đại học FPT Cần Thơ, nhóm sinh viên Ngọc Khánh, Tuệ Mẫn, Thu Cúc, Hồng Ngân chứng minh rằng sinh viên ở bất kỳ cấp độ nào đều cũng có sự hứng thú nhất định với việc học trực tuyến. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng có nhiều yếu tố tác động đến khả năng tập trung và tinh thần hợp tác của sinh viên khi tham gia học trực tuyến.
Nhiều đề tài về giáo dục, xã hội cũng được các nhóm sinh viên trình bày trong buổi bảo vệ khoá luận của Ngành Ngôn ngữ Anh Đại học FPT Cần Thơ. Đa số các đề tài đều được đánh giá cao bởi Hội đồng nhờ vào tính ứng dụng thực tế cũng như phong cách tự tin, bản lĩnh của các bạn sinh viên.
Đại học FPT Cần Thơ