Chiều nay (18/4), top 7 đội thi xuất sắc nhất bảng A, FPT Edu Hackathon 2021 đã bước vào phần thi thuyết trình trước hội đồng ban giám khảo để bảo vệ ý tưởng và sản phẩm của mình. Mỗi đội có 10 phút thuyết trình và 10 phút Q&A cùng ban giám khảo.
Hội đồng Ban giám khảo tại chung kết FPT Edu Hackathon 2021 bao gồm: Thầy Trần Thế Trung (Viện trưởng Viện nghiên cứu Công nghệ FPT), anh Nguyễn Quốc Cường (AI Lab Manager FPT Software), anh Vũ Tuấn Anh ( AI Research Team – Công ty TNHH Pixta Việt Nam), Thầy Ngô Tùng Sơn (Giảng viên bộ môn CF – ĐH FPT Hà Nội), Anh Phạm Văn Thanh (IT Project Manager – Công ty TNHH DLS).
Mở đầu phần thi là đội La Peau đến từ ĐH FPT TP.HCM. Dù là đội đầu tiên bước ra thuyết trình nhưng 4 chàng trai tỏ ra rất tự tin và thoải mái. Nhóm mang đến ý tưởng xây dựng ứng dụng điện thoại thông minh dùng AI chẩn đoán bệnh ngoài da. Một số bệnh đã được nhóm demo chẩn đoán thành công như vẩy nến, zona…
Ứng dụng được đánh giá hữu ích khi giúp tiết kiệm thời gian, công sức cho bác sĩ, hỗ trợ người bệnh không có nhiều điều kiện đến các cơ sở y tế da liễu.
Nhóm cũng tiến hành demo trực tiếp với ban giám khảo.
Tại phần Q&A nhóm nhận được khá nhiều câu hỏi thú vị như làm sao để tăng khối lượng data, cách để thương mại hóa…
Tiếp nối vòng thi thuyết trình là nhóm 4AM đến từ FUNiX. Ý tưởng của nhóm là ứng dụng AI để chẩn đoán các khối u trong não. Nếu thành công, sản phẩm sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các bác sĩ và bệnh nhân.
Nhóm cũng chia sẻ, bản thân phải xây dựng mọi thứ từ con số 0 vì sau quá trình research, nhóm không tìm được bất kỳ model tương tự nào.
Dựa thêm vào những nhận xét, góp ý từ ban giám khảo vào buổi code hôm qua và demo sáng nay, nhóm đã có những cải tiến, thay đổi đáng kể với sản phẩm của mình.
4AM demo sản phẩm trước BGK
Nhóm nhận được khá nhiều câu hỏi về kỹ thuật tại phần Q&A với hội đồng Ban giám khảo
Sau 4AM là DSC FPT University Da Nang – đại diện duy nhất của FPTU Đà Nẵng tại vòng chung kết FPT Edu Hackathon năm nay.
Nhóm mở đầu phần thi thuyết trình của mình với câu hỏi “Liệu bằng mắt thường có thể nhận biết ảnh chụp CT phổi của bệnh nhân mắc Covid – 19 và người không mắc bệnh?”. Điều này là rất khó. Đó là lý do nhóm chọn ý tưởng dùng AI để phát hiện bệnh nhân mắc Covid – 19. “Lý do nhóm lựa chọn ảnh chụp CT thay vì X – ray là vì đây là lựa chọn được các bác sĩ khuyến nghị” – DSC chia sẻ.
DSC đã xuất sắc trả lời được những câu hỏi phản biện từ Ban giám khảo trong phần Q&A.
Nhóm thứ 4 tiếp tục phần thi là Hope – đại diện của ĐH FPT Hà Nội. Nhóm mang đến sản phẩm cảnh báo nguy cơ bị ngã cho người già. Theo những thống kê gần đây, tai nạn này khá nguy hiểm và có nguy cơ gây tử vong cao cho nhóm người cao tuổi.
Nhóm sử dụng kỹ thuật khá “cổ điển” trong việc nhận diện hình ảnh bằng AI. Sau khi phát hiện nguy hiểm, sản phẩm sẽ phát cảnh báo, liên hệ ngay với các cơ sở y tế hỗ trợ nếu cần thiết. Đồng thời, sản phẩm cũng sẽ lưu trữ dữ liệu cho phép người dùng quan sát lại những trường hợp nguy hiểm để phòng tránh trong tương lai.
Nhóm cũng đã có phần demo khá thú vị về sản phẩm của mình.
Hội đồng Ban giám khảo thích thú trước phần demo của nhóm
Tiếp theo là đại diện của “liên quân” ĐH Greenwich (Việt Nam) và FPT Edu Global với phần thuyết trình về ứng dụng giúp trẻ em tự học nhận diện đồ vật và học tiếng Anh.
Với ứng dụng này, trẻ em chỉ cần dùng điện thoại chụp ảnh lại đồ vật và sẽ được AI cung cấp các thông về đồ vật như tên, cách đọc, phát âm. Ứng dụng còn tích hợp nhiều ngôn ngữ giúp trẻ em có thể tự học tiếng Anh cơ bản.
Đây được xem là đội thi đặc biệt nhất năm nay khi là liên quân của hai đơn vị thuộc FPT Edu và sở hữu một thí sinh ngoại quốc.
Tại phần Q&A, nhóm cũng đã phần thể hiện xuất sắc khi trả lời thành công nhiều câu hỏi khó từ ban giám khảo.
Một đại diện nữa đến từ ĐH FPT Hà Nội – Dimo là cái tên tiếp theo bước lên bục thuyết trình trong ngày chung kết FPT Edu Hackathon 2021.
Ý tưởng của nhóm là sản phẩm dùng AI nhận diện hình ảnh người lái xe, từ đó đưa ra cảnh báo nếu người đó đang không đủ tỉnh táo để tham gia giao thông. Theo đó, sản phẩm sẽ góp phần quản lý các tài xế, giảm thiểu tai nạn giao thông không đáng có.
Trong 10 phút Q&A, nhóm nhận được khá nhiều câu hỏi từ ban giám khảo để làm sáng rõ hơn ý tưởng của mình.