Chia kỳ thi thành 2 đợt, siết chặt chấm thi, thí sinh được bảo lưu điểm bài thi là những điểm đổi mới thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2021 cần đặc biệt lưu ý.
Bộ GD&ĐT vừa điều chỉnh một số điều quan trọng để kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm 2021 được tổ chức an toàn, minh bạch, không gian lận, đúng quy trình trong điều kiện dịch bệnh hiện nay.
1. Hai đợt thi tốt nghiệp THPT
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, do đó Bộ GD&ĐT quyết định tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 thành 2 đợt.
Theo đó, các thí sinh không thuộc nhóm đối tượng F0, F1, F2, không ở vùng phong tỏa hoặc cách ly xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng về phòng chống dịch COVID-19 sẽ tham dự kỳ thi đợt 1 vào ngày 7 và 8/7. Đợt thi thứ 2 dành cho đối tượng thí sinh không thể tham dự kỳ thi đợt 1 do bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Lịch thi đợt 2 sẽ được Bộ GD&ĐT thông báo sau.
Bộ yêu cầu các địa phương cập nhật tình hình thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 không thể dự thi đợt 1. Sau đó, gửi báo cáo số lượng thí sinh về Bộ GD&ĐT qua Cục Quản lý chất lượng trước ngày 5/7.
2. Điều chỉnh nguyện vọng 3 lần
Mùa tuyển sinh 2021, các thí sinh được đăng ký xét tuyển nguyện vọng trực tuyến và điều chỉnh nguyện vọng tối đa 3 lần trong khoảng thời gian từ ngày 7/8 đến 17h ngày 17/8.
Về cơ bản, việc điều chỉnh sẽ không gây ảnh hưởng đến quá trình xét tuyển của các trường. Bộ chỉ căn cứ và chốt nguyện vọng theo lần đăng ký cuối cùng của thí sinh. Như vậy, các em học sinh sẽ giảm bớt áp lực, có thêm cơ hội điều chỉnh quyết định và gia tăng cơ hội trúng tuyển.
3. Bảo lưu điểm thi
Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, thí sinh đã dự thi đủ các bài thi/môn thi quy định nhưng chưa tốt nghiệp THPT và không bị kỷ luật hủy kết quả thi được bảo lưu điểm thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT trong kỳ thi năm liền kề tiếp theo.
Bài thi/môn thi được bảo lưu điểm thi gồm: Bài thi độc lập hoặc bài thi tổ hợp đạt từ 5 điểm trở lên (các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp này đều phải đạt trên 1 điểm); môn thi thành phần (Hoá, Lý, Sinh, Sử, Địa, Giáo dục công dân) đạt từ 5 điểm trở lên.
Như vậy, so với năm 2020, thí sinh sẽ được bảo lưu thêm điểm của bài thi độc lập đạt từ 5 điểm trở lên thay vì chỉ có bài thi tổ hợp hoặc điểm môn thành phần của bài thi tổ hợp từ 5 điểm.
4. Siết chặt khâu chấm thi
Năm nay, việc chấm thi vẫn do hội đồng chấm thi tại địa phương chủ trì. Các bài thi trắc nghiệm được chấm bằng máy. Khu vực chấm thi được giám sát bằng camera 24/24.
Hội đồng chấm thi các tỉnh thành sẽ chấm với hướng dẫn, đáp án, thang điểm do Bộ xây dựng theo thang điểm 10, điểm lẻ của tổng bài thi được làm tròn đến 2 chữ số thập phân.
Tất cả hội đồng chấm thi tự luận đều phải tổ chức chấm chung 10 bài thi để thống nhất, tránh việc chấm lỏng hoặc chặt quá, hiểu sai hướng dẫn chấm, không nắm chắc quy trình chấm thi.
Những hội đồng thi có từ 30.000 thí sinh trở lên có thể triển khai chấm chung theo từng tổ chấm thi hoặc nhóm tổ chấm thi. Việc thực hiện quy trình chấm 2 vòng độc lập phải bố trí ở 2 phòng chấm độc lập.
5. Thêm môn tiếng Hàn
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 được bổ sung môn tiếng Hàn vào danh mục các môn thi cho thí sinh đã học chương trình giáo dục phổ thông và đăng ký dự thi môn tiếng Hàn.
Thí sinh có thể chọn thi một trong 7 thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức, Nhật Bản, Hàn.
Lịch thi tốt nghiệp THPT 2021.
Theo VTC News