Đại học FPT Cần Thơ

Chọn ĐH FPT vì chỉ phải học vừa đủ, tỷ phú công nghệ 29 tuổi mách nước chuyện học hành

Đam mê lập trình rõ như ban ngày mà Nguyễn Thành Trung – tỷ phú công nghệ sở hữu game blockchain đình đám Axie Infinity còn phân vân khi chọn trường ĐH, nên các gen Z có “không biết chọn trường nào” thì cũng bình thường thôi.

Tỷ phú trẻ Nguyễn Thành Trung quan điểm đại học cũng quan trọng, nhưng trải nghiệm những thứ khác còn quan trọng hơn.

Chọn ĐH FPT vì chỉ phải học vừa đủ, tỷ phú công nghệ 29 tuổi mách nước chuyện học hành - Ảnh 1.

Nguyễn Thành Trung, cựu SV ĐH FPT từng bỏ học rồi quay lại trường học xong bằng ĐH trước khi thành tỷ phú

Ở trường, sự ngông cuồng phải trả giá đắt và trải nghiệm nhiều thứ khác… ngoài học

Nguyễn Thành Trung – nhà phát triển game Axie Infinity, tựa game Việt “gây sốt” cộng đồng thời gian gần đây với giá trị vốn hóa 2,7 tỷ USD (tương đương 62 nghìn tỷ VNĐ) thừa nhận… “nghiện game”. Trung biết chơi game từ lúc học cấp 1, cấp 2; thường xuyên cầm đầu nghịch phá kết hợp chơi game, cấp 3 dù học chuyên Tin nhưng nghĩ việc học “không vui với mình” nên lại trốn ra hàng net “cắm cọc”.

Thế là, dù vào lớp chuyên Tin với nền tảng Tin học tốt hơn các bạn nhưng “Hồi ấy mình cũng ngông cuồng vì tiếp xúc với Tin học nhiều hơn bạn bè, bỏ xa bạn nên lại chơi game nhiều hơn học. Sự ngông cuồng ấy đã phải trả giá đắt”. Chẳng mấy chốc, Trung bị đám bạn học chuyên vốn cũng “khủng” chẳng kém dồn sức học hành cho “hít khói”. May mà kịp nhận ra, Trung vực lại việc học và vẫn giành giải Nhì Tin học Quốc gia năm lớp 12.

Cùng với đó, đam mê lập trình hình thành trong Trung từ những ngày tự học Pascal trong sách, tự code các “bài toán” hình học rồi đem khoe bạn bè khắp nơi cứ lớn dần. Kết hợp 2 niềm đam mê với nhau, Trung nghĩ muốn làm cái gì đó liên quan tới game.

Được tuyển thẳng vào ĐH FPT, ngành Kỹ thuật phần mềm, đúng với sở trường bản thân, vậy mà CEO sinh năm 1992 này chia sẻ khi ấy vẫn còn phân vân chọn trường này hay 2 trường ĐH cỡ “khủng” khác là ĐH Ngoại thương hay ĐH Công nghệ. Lúc ấy Nguyễn Thành Trung thậm chí còn phân vân xem nên theo Tin học tiếp hay chuyển hướng sang Kinh tế. “Đấy là mình có đam mê rõ ràng mà còn thế, nên các bạn trẻ bây giờ nếu có phân vân việc chọn trường ĐH hoặc là không rõ bản thân thích gì thì cũng là chuyện rất bình thường” – Trung chia sẻ.

CEO 9X hóm hỉnh cho biết thêm: “May mà được tuyển thẳng vào ĐH FPT chứ nếu không cũng không biết có đỗ đại học được hay không vì thi khối A được đúng 13 điểm – vừa bằng điểm sàn (khối D 20 điểm/Trung được tuyển thẳng do đạt giải Quốc gia). Lên đại học, Trung không bỏ sở thích chơi game nhưng lại là “gà nòi” quen thuộc trong các cuộc thi về CNTT dành cho sinh viên. Trung từng tham gia đội tuyển thi ACM/ICPC của trường ĐH FPT và lọt tới vòng World Final. “Những lần đi nước ngoài đầu tiên của mình đều là đi thi cho trường: Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Nga. Mình được trải nghiệm không khí ở nước Nga và cảm thấy rất thích, nhớ mãi tấm ảnh mặc áo xanh, đội mũ chụp ở Nga khi thi vòng World Final ACM/ICPC” – Trung kể. Trung còn tự học tiếng Anh qua việc học và làm việc với nhiều tài liệu chuyên ngành, đi thi thố ở các nước.

Với Trung, việc học ở trường lớp không phải là điều quan trọng nhất. Học ĐH FPT, đúng với đam mê lập trình của Trung, lại khiến anh “bỏ công sức tối thiểu, nhận kết quả vừa đủ nhưng bù lại được trải nghiệm nhiều thứ khác” trong đó có bản tính tò mò và ham cạnh tranh. “Một phần tuổi trẻ của mình ở ĐH FPT”, Trung bộc bạch. Thậm chí, Trung còn nghỉ học, khởi nghiệp rồi lại quay lại học tiếp hay chơi game, quậy thì môi trường này cũng chấp nhận để anh thử và sống thật với cá tính của mình.

“Mình nghĩ các bạn trẻ nên quậy một xíu để phẩm chất, tính cách riêng của mình không chìm đi. Càng va chạm với cái gọi là quy định, bạn càng phát hiện ra điểm mạnh, điểm yếu của mình” – Trung bộc bạch.

Tỷ phú game blockchain từng thiếu vốn, mất định hướng và bí quyết thành công

Chọn ĐH FPT vì chỉ phải học vừa đủ, tỷ phú công nghệ 29 tuổi mách nước chuyện học hành - Ảnh 2.

Bắt đầu với Axie Infinity bằng việc kết hợp giữa công nghệ và game khiến Nguyễn Thành Trung thành tỷ phú công nghệ ở tuổi 29

Một lần, vô tình đọc được bài báo có cái tít hấp dẫn về blockchain kết hợp trò chơi điện tử, Trung tò mò không hiểu một thứ công nghệ khô khan và từng khiến anh không có cảm tình như blockchain mà ứng dụng vào game nhiều tương tác sẽ thế nào. Anh quyết định chơi thử. “Như kiểu Ơ-rê-ka hay a-ha moment, mình nhận ra blockchain hay công nghệ không xấu, quan trọng là cách thức vận dụng nó ra sao” – Trung hào hứng kể lại. Từ thời điểm đó, Trung bắt tay vào làm game ứng dụng blockchain. Đó cũng là thời gian game Axie Infinity được nhen nhóm những ý tưởng đầu tiên.

Đạt giá trị vốn hóa lên tới 2,7 tỷ USD, game Axie Infinity thành công trên phương diện game tiên phong do người Việt phát triển vươn tới mức tỷ USD. Đó là kết quả sau một hành trình dài của Trung và nhóm cộng sự, có cả những khoảng thời gian vô cùng khó khăn. “Thời điểm giữa đến cuối năm 2018, thị trường xuống đáy, sắp hết vốn, lúc ấy chỉ còn biết đóng cửa làm sản phẩm và phải đi tìm vốn từ nguồn khác nữa. Đã có lúc, mình từng nghĩ có khi chỉ còn giữ lại được 2 người trong team”, Trung kể.

Trước khi thành công với Axie, Trung từng khởi nghiệp ngay khi đang học năm thứ 2 ĐH FPT. Xin nghỉ học, tự làm, tự lập rồi lại rời dự án khởi nghiệp, đã có lúc Trung cảm thấy mất định hướng. “Lúc đó, mình cảm thấy cần có thời gian lắng lại, suy nghĩ về những việc đã làm. Hơn nữa còn có trách nhiệm cần hoàn thành với bản thân và gia đình, ấy là hoàn tất việc học. Nên mình quay lại đi học” – Trung quay trở lại hoàn thành chương trình học tại ĐH FPT.

Không có bí quyết thành công gì cao siêu, Trung tóm gọn bí quyết của mình trong hai từ “thấu hiểu và đồng cảm”. Thấu hiểu ở đây bao gồm cả tinh thần thấu hiểu, hỗ trợ giữa những cộng sự cùng khởi nghiệp và giữa những người làm game với cộng đồng người chơi của mình. “Phải là 1 team về mặt tâm trí, 100% thấu hiểu và đồng cảm”, là điều CEO 9X này tâm niệm. Bởi vậy, trong quá trình phát triển sản phẩm, nếu có mâu thuẫn, Trung và cộng sự sẽ trao đổi để giải quyết ngay. Với Trung, mâu thuẫn càng giúp các thành viên hiểu mong muốn, nguyện vọng của nhau.

Anh và cộng sự cũng coi việc giao tiếp với người dùng trong giai đoạn phát triển game ban đầu là điều “bắt buộc”. “Chúng mình tự tay trả lời từng thắc mắc, chia sẻ của người chơi. Nhà phát triển sản phẩm cần thấu hiểu nhu cầu của người chơi, lan tỏa tinh thần của mình tới người dùng sản phẩm của mình. Về sau, những người đó sẽ hỗ trợ mình lan truyền tinh thần ấy đến cộng đồng đông đảo hơn nữa” – Trung chia sẻ thêm.

Hiện tại, ước tính Axie Infinity có khoảng 720.000 người chơi trên toàn thế giới. Cộng đồng này đang phát triển không ngừng với nhiều giao dịch, bằng chứng là mới đây nhất giá trị vốn hóa của tựa game này đã cán mốc 2,7 tỷ USD.

(*) Ảnh chụp trước thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *