Tại Việt Nam, việc thúc đẩy áp dụng khoa học kỹ thuật hay các thành tựu công nghệ vào chăm sóc sức khỏe hiện đang là một xu hướng và được thể hiện rõ nét qua những nỗ lực xây dựng bệnh án điện tử, cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế… Thống kê của Bộ Y tế cho thấy hiện cả nước có 1000 cơ sở đủ điều kiện thực hiện khám sức khỏe, 39 bệnh viện tư và tương đương, 212 cơ sở y tế ngoài công lập.
Tuy nhiên, hầu hết trong số đó chỉ triển khai được hệ thống phục vụ dữ liệu vận hành mà không khai thác được tối đa hiệu quả của việc phân tích dữ liệu phục vụ quản trị. Đây chính là nguồn gốc ý tưởng để nhóm SV FPT Edu phát triển hệ thống HDAS giúp quản trị, phân tích và dự báo thông tin, đảm bảo vận hành liên tục và góp phần cải thiện năng suất lao động tại các cơ sở khám, chữa bệnh.
HDAS là phần mềm dùng Power BI để giải quyết các bài toán quản trị dựa trên số liệu đã có, nhờ đó có khả năng tối ưu hóa việc quản trị dữ liệu và thực hiện những phân tích dữ liệu chuyên sâu. Hướng đến tối ưu năng lực vận hành và giảm thiểu các khoản chi, HDAS còn xây dựng hệ thống báo cáo tự động, có chiều sâu, đáp ứng được nhu cầu quản trị dữ liệu của cơ sở y tế trên nhiều phương diện như: doanh thu, nhân sự, bệnh nhân, các thông tin liên quan đến tình hình dịch bệnh COVID-19…
Trên thực tế đã có không ít những phần mềm bệnh viện, ứng dụng chăm sóc sức khỏe hiện diện trên thị trường, HDAS tuy không chọn hướng đi quá khác biệt nhưng hệ thống này lại sở hữu những ưu thế riêng nổi bật. Nhóm SV cho biết: “Ưu thế của HDAS không nằm ở mặt công nghệ mà quan trọng là cách hệ thống được ứng dụng như thế nào, hiểu được khó khăn của bệnh viện và giải quyết các vấn đề còn tồn tại ra sao. Nhóm tự tin HDAS có thể đảm bảo được việc vận hành hệ thống dữ liệu phù hợp với năng lực tin học của các cán bộ, tối ưu chi phí cho các cơ sở y tế”.
Mang đến một giải pháp công nghệ thiết thực và hiệu quả nên hệ thống quản trị dữ liệu y tế HDAS của nhóm đã xuất sắc giành giải Nhì tại cuộc thi kinh doanh FPT Edu Biz Talent 2021 của Tổ chức Giáo dục FPT – FPT Edu. Cũng tại đây, nhóm đã nhận được nhiều phản hồi tích cực cùng những góp ý giá trị từ ban giám khảo để hoàn thiện và phát triển hơn nữa phần mềm của mình.
Theo đó, hội đồng chuyên môn đánh giá cao sự đầu tư nghiên cứu và xây dựng mô hình kinh doanh chi tiết của dự án, tuy nhiên đề xuất các bạn SV nên xem xét kỹ hơn về quy mô nhân sự khi dự án đi vào hoạt động. Bởi lẽ khi xây dựng một hệ thống sẽ đặt ra nhiều thách thức về việc thu hút nhân tài ngoài các founder, kèm theo đó là bài toán về chi phí trả lương, thưởng. Nhóm SV FPT Edu cho biết: “Chỉ trong thời gian rất ngắn nhưng ban giám khảo đã nắm bắt rất nhanh về dự án và đưa ra những nhận xét khách quan. Nhóm dự định sẽ ngồi lại với nhau ngay sau khi hết giãn cách xã hội để trao đổi thêm về dự án và tìm ra hướng phát triển tốt nhất”.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin, các phần mềm như HDAS sẽ góp phần giải quyết nhiều bài toán về quản trị dữ liệu, quản lý thông tin mà nhiều cơ sở chăm sóc sức khỏe đang gặp khó. Vượt ra ngoài biên giới của một cuộc thi sinh viên, phần mềm HDAS mà nhóm mang đến FPT Edu Biz Talent 2021 đã cho thấy các bạn trẻ hiện nay không chỉ sáng tạo mà còn có cái nhìn thời sự, nắm bắt rất nhanh về xu hướng chuyển đổi số trong ngành Y tế nói riêng và các ngành nghề khác trong xã hội nói chung.
Được biết, FPT Edu Biz Talent là cuộc thi thường niên của Tổ chức Giáo dục FPT dành cho HS, SV khối ngành Kinh tế. Năm 2021, FPT Edu Biz Talent bước vào mùa giải thứ 3 với chủ đề Khởi nghiệp bền vững “Sustainable Entrepreneurship”.