Nhờ chủ động tìm kiếm, trải nghiệm việc làm sớm nên nhiều bạn trẻ không còn canh cánh nỗi lo thất nghiệp sau khi ra trường. Tuy nhiên, một số phụ huynh lại lo lắng con mải mê làm việc sẽ bỏ bê học hành, ảnh hưởng đến sức khỏe.
“Mới là sinh viên đã mải mê kiếm tiền”
Đây là lời than thở của chú Nguyễn Lâm (57 tuổi, Hà Nội) khi cô con gái Thu Hoài – sinh viên năm 3, ĐH FPT vừa đi học về, ăn vội bát cơm đã lại vác balo laptop đến công ty làm thêm.
Nhìn đồng hồ điểm đúng 1 giờ trưa, chú Lâm bộc bạch: “Từ khi học năm 2, Thu Hoài đã khoe với bố mẹ là được nhận vào làm cộng tác viên thiết kế cho một công ty công nghệ. Công việc bán thời gian, lại đúng chuyên ngành học nên cô chú ủng hộ em đi làm”.
Chú Lâm cho rằng, con gái đi làm “cho vui” nhưng không ngờ Thu Hoài lại rất nghiêm túc, về nhà vừa học vừa dành thời gian hoàn thành công việc.
“Làm một thời gian, con bé khoe được sếp khen, học hỏi thêm nhiều kỹ năng, kinh nghiệm. Đồng nghiệp ở công ty còn giới thiệu để Hoài nhận thêm “mối” bên ngoài về làm có thu nhập.” chú Lâm chia sẻ.
Tuy nhiên, thấy con gái làm việc vất vả, đi sớm về muộn, chú Lâm cũng lo ảnh hưởng đến sức khỏe và hơn hết là việc học ở trường.
Cô Minh Thu (45 tuổi, Đà Nẵng) là phụ huynh của Hoàng Anh – sinh viên ngành Quản trị Kinh doanh của một trường đại học cũng chia sẻ nỗi lo lắng, khi con trai chẳng chọn một công việc văn phòng nhàn nhã mà lại cùng vài người bạn góp vốn, bỏ công khởi nghiệp quán trà sữa. Từ anh chàng thư sinh trắng trẻo, Hoàng Anh đen nhẻm sau hơn nửa năm làm “ông chủ” vì phải bưng bê, dọn bàn ghế, dắt xe… cho khách.
“Giá mà Hoàng Anh làm thêm ở một công ty nào đó hay đi gia sư cô cũng đồng ý, đằng này…”, cô Thu lắc đầu, bỏ lửng câu nói.
Cô Thu than thở: “Mỗi lần con khoe quán có lãi, học hỏi thêm được kinh nghiệm kinh doanh mà lòng mình đau như cắt. Mình có để nó thiếu thốn gì đâu mà dạo gần đây vừa gầy, vừa đen, đi học xong về lại ra quán làm tới tận khuya. Mình lo con không đủ sức khỏe hoàn thành năm cuối”.
Trải nghiệm việc làm sớm giúp hoàn thiện các kỹ năng
Có kiến thức, kỹ năng, lại chủ động và nhanh nhạy nắm bắt cơ hội nên nhiều sinh viên như Hoài, Hoàng Anh xin được việc thậm chí khởi nghiệp từ sớm. Thực tế tình hình lao động ở Việt Nam hiện nay cho thấy xu hướng này là tất yếu. Trải nghiệm việc làm sớm cũng giúp những bạn trẻ đang ngồi trên ghế giảng đường có cái nhìn thực tế về thị trường, rèn luyện kỹ năng, giảm tình trạng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp vì thiếu vốn sống, “nhìn đời màu hồng”.
Nhiều trường đại học cũng khuyến khích sinh viên trải nghiệm việc làm sớm, thậm chí tạo cơ hội cho sinh viên được làm việc tại các doanh nghiệp như nhân viên chính thức.
“ĐH FPT, nơi Hoài theo học là một trường như vậy. Hoài có được động lực đi làm sớm cũng từ việc tham gia các workshop, talkshow về nghề nghiệp, tham quan doanh nghiệp do trường tổ chức.” chú Lâm cho biết thêm.
Chú Lâm cũng chia sẻ, sắp tới khi bước vào năm cuối, Hoài còn đi thực tập theo chương trình On job Training – Học kỳ doanh nghiệp của ĐH FPT.
Trải nghiệm việc làm sớm là tốt nhưng các bạn trẻ cần cân bằng giữa học tập và làm việc |
Những nhân sự trẻ giàu trải nghiệm làm việc, có kỹ năng thực tế cũng là đối tượng tuyển dụng được nhiều doanh nghiệp lớn đánh giá cao.
“Thực tập, làm việc sớm giúp các bạn trẻ áp dụng những kiến thức, kỹ năng mà nhà trường đã đào tạo, nắm bắt được nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Các bạn cũng tự rèn luyện được tính kỷ luật, kỹ năng mềm, tác phong làm việc…”, anh Cao Văn Việt – Founder kiêm Giám đốc đơn vị EDN, FPT Software cho biết.
Tuy nhiên, anh Việt cũng cho rằng, không dễ để các bạn trẻ cân bằng giữa trải nghiệm việc làm và học tập, cũng không nên đi làm quá sớm.
“Đi làm sớm khi còn thiếu kiến thức và non kỹ năng dễ dẫn đến làm việc không có hiệu quả, ảnh hưởng tới việc học. Các bạn trẻ cũng không nên cố làm trái ngành nghề được đào tạo, trừ trường hợp đặc biệt và nên chú ý cân bằng giữa việc học và việc làm. Doanh nghiệp thường không đánh giá cao các bạn sinh viên vì ham làm, bỏ học hoặc đã nhận việc mà lại coi đó chỉ là “làm thêm”, không có trách nhiệm với công việc”, anh Việt nói.