Xinh đẹp và tài giỏi nhưng Diễm Phương vô cùng khiêm tốn. Cô nói thành tích lớn nhất mình làm được là có thể tự đứng trên đôi chân của mình.
“Cuộc đời là của con, con phải tự quyết định. Sau này con có hối hận thì cũng là do bản thân mình. Ba mẹ lúc nào cũng ủng hộ con”.
Lời của ba mẹ lúc nào cũng được Thái Ngọc Diễm Phương ghi nhớ trong tim. Là con gái nhưng Diễm Phương theo đuổi ngành IT – ngành học mà trong mắt nhiều người khá khô khan và vất vả. Tuy nhiên, nhờ có sự động viên, khích lệ từ hậu phương vững chắc là ba mẹ và người thân nên từ một cô gái không có nền tảng về tin học, Diễm Phương đã tự mình vượt qua nhiều giới hạn.
Khi còn là sinh viên, Diễm Phương theo đuổi chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm, ĐH FPT. Năm đầu ĐH, cô được xếp vào một lớp toàn các bạn có học lực giỏi, phần nhiều xuất phát từ lớp chuyên Toán, Tin. Vì thế, cô luôn cảm thấy mình không thể theo kịp các bạn cùng lớp. Kì thi đầu tiên, cô đã phải “cầu cứu” một người bạn trong lớp đã học chuyên Tin từ những năm cấp 2; sau đó, Diễm Phương nhận được cuốn bài tập lập trình từ hồi lớp 6 và được yêu cầu giải bài tập.
Chính từ lần này, Diễm Phương đã tiếp thu được rất nhiều kiến thức cơ bản và xây dựng được nền tảng vững chắc sau này. Cùng với sự nỗ lực không ngừng mỗi ngày, cô đã tốt nghiệp ĐH loại giỏi. Sau đó, cô chọn đi trao đổi sinh viên tại Nhật Bản và tại đây, bài luận văn về sự lạc lõng của chính mình khi bước chân lên ĐH và cú sốc đầu đời khi lên ĐH mà phải làm bài tập lớp 6 đã giúp Diễm Phương tiến tới vòng phỏng vấn.
Trong vòng phỏng vấn gặp hội đồng giám khảo quốc tế, Diễm Phương đã so sánh mình như cây tầm gửi luôn mạnh mẽ và tươi xanh khi gặp đúng môi trường hơn bất kì loại cây nào khác. Với tinh thần sẵn sàng cống hiến của nữ sinh Việt Nam, cô thậm chí đã nhận được 2 học bổng toàn phần từ của Đại học La Trobe, Úc và Đại học Stanford, Mỹ.
Cánh cửa này dẫn tới cánh cửa kia, Diễm Phương chọn theo học tại ĐH Stanford. Cũng từ đây, cô lần đầu bước chân vào thung lũng công nghệ Silicon trong sự hồi hộp và tinh thần quyết tâm. Nhận được lời mời làm việc từ 3 “ông lớn” Google, Facebook và Adobe, Diễm Phương cảm thấy mình phù hợp hơn với môi trường Google. Bởi ở nơi đây cho cô nhiều cơ hội học hỏi hơn hẳn.
“Nếu làm việc với các bạn Âu – Mỹ thì ta có thể thoải mái tranh luận. Với các bạn châu Á, khi cần góp ý ta nên nhẹ nhàng. Các bạn Ấn Độ thường hơi gay gắt thì ta nên thể hiện qua kết quả công việc, không tranh chấp. Nhìn chung, mọi người đều rất nhiệt tình và ta có thể học hỏi từ họ nhiều điều”, Diễm Phương chia sẻ về môi trường làm việc ở Google với Dân trí.
Bên cạnh đó, cô cũng vô cùng nhiệt tình tham gia những hoạt động khác. Chẳng hạn, tháng 10/2020, cô cùng 50 kĩ sư phần mềm người Việt Nam đang làm việc tại nhiều nơi trên thế giới sáng tạo ra website cứu hộ miền Trung với hơn 1,5 triệu lượt truy cập, 2.500 tình nguyện viên, gần 2.000 ca cứu hộ được thực hiện. Hay tại Olympic Tokyo 2020, cô đăng ký và trở thành Ban tổ chức, làm các công việc quản lý nhân sự của thế vận hội.
Tuy nhiên, cô gái ấy vô cùng khiêm tốn khi nói về bản thân mình: “Thành tựu tự hào nhất mà mình đạt được cho đến hiện tại là có thể tự đứng trên đôi chân của mình, có thể lo cho ba mẹ và dùng kĩ năng của mình đóng góp cho xã hội”.