Xuất hiện từ lâu đời, lễ đưa ông Táo là một sự giao thoa và tiếp biến văn hóa của người Việt. Phong tục này gắn liền và in sâu vào tâm thức từng thế hệ. Trải qua những thay đổi của lịch sử, ngày nay, lễ tiễn Táo quân đã có nhiều thay đổi để phù hợp với thời đại nhưng đồng thời vẫn giữ được những giá trị tinh thần cốt lõi ngàn đời.
Nguồn gốc: Từ giao thoa đến thay đổi
Hình tượng ông Táo, bà Táo ngày nay được cho rằng xuất phát từ ba vị Thổ Công, Thổ Địa và Thổ Kỳ của phương Bắc. Ba vị Táo bao gồm hai ông và một bà, một vị Thần đất, một vị thần Nhà và vị còn lại là thần Bếp núc. Trong quá trình giao lưu và du nhập, những hình tượng này tiếp cận người Việt và được thay đổi để trở thành một phần của văn hóa Việt Nam. Người Việt từ ngàn đời xem trọng đạo nghĩa, lòng thủy chung chính vì thế mà họ hi vọng Táo quân, người quanh năm giữ bếp lửa, phù hộ gia đình ấm no hạnh phúc cũng như bảo vệ gia đình khỏi những điềm rủi, những điều không may.
Cúng ông Táo: hình thức và ý nghĩa
Trong tác phẩm “Thương nhớ mười hai” của Vũ Bằng, ở “Chương 12: Tháng chạp – Nhớ ơi chợ tết” có đoạn nói về ngày ông Công ông Táo: “Từ sáng tinh sương, chưa bước chân xuống giường, tôi đã nghe thấy rao ơi ới ở khắp các nẻo đường: “Ai mua cá ông Táo không?”, “Cá ông Táo không nào”. Ngoài giữ gìn lửa bếp, ông táo còn được cho rằng là người quan sát, ghi lại việc làm của gia chủ trong một năm. Chính thế mà cứ từ tối ngày 22 thì người Việt sẽ bắt đầu chuẩn bị lễ vật để cáo tiễn ông táo về trời, đem chuyện ghi chép suốt một năm qua để bẩm báo lại với Thiên Đình.
Mâm lễ vật để cúng Táo quân gồm: Mũ ông Công ba chiếc, tiền vàng, áo giấy, hài giấy và quan trọng nhất là cá chép. Theo tín ngưỡng dân gian, cá chép sau khi vượt Vũ Môn sẽ hóa thành rồng vì vậy có thể đưa chư Táo về phục mệnh nhanh chóng. Ngoài ra, việc cúng cá chép cũng có sự khác biệt giữa hai miền Nam Bắc. Nếu như ở miền Bắc, người dân thường thả một con cá chép sống sau lễ cúng thì các gia đình miền Nam đa phần đều dùng cá chép giấy đốt cùng tiền vàng. Tuy khác biệt về phương thức thế nhưng tinh thần gửi gắm của người Việt nói chung vẫn vẹn nguyên không thay đổi.
Táo quân: Gửi đi chuyện cũ, đón chờ điều mới
Dưới góc độ văn hóa, tâm linh, chuyện cúng ông Táo là một cách để người dân thỏa mãn tâm thức, tín ngưỡng của mình. Đây là cách để người xưa răn dạy trẻ con, dạy con cháu trong nhà phải biết làm điều tốt, phải biết hiếu thảo vì tất cả việc mà họ làm đều được thần linh quan sát, ghi chép lại. Không chỉ vậy, việc cúng ông Táo phần nào cũng là để chúng ta gửi gắm niềm hi vọng vào một năm sắp đên, gửi đi những chuyện đã qua, đợi chờ những điều mới mẻ. Con người dùng chỗ dựa tinh thần để làm nơi trấn an, giải tỏa, đồng thời cũng để tự bồi dưỡng, tôi luyện chính mình.
Qua thời gian, nguồn gốc, ý nghĩa của lễ này dường như đã phai nhạt phần nào, con người thường chỉ nhớ đến chuyện ông Táo, bà Táo mỗi dịp tết mà quên mất sự hiện hữu của họ trong suốt một năm dài. Sự hiện đại hóa của xã hội ngày này phần nào đã khiến những giá trị truyền thống dần dần rơi vào lãng quên.
Ngày nay, thế hệ trẻ xem lễ cúng ông Táo không chỉ là một tập quán trăm năm của dân tộc, đó còn là một nét độc đáo, riêng biệt, thể hiện đời sống tinh thần của dân tộc. Hiện tại có không ít cộng đồng, tổ chức đang cố gắng để mang những giá trị xưa cũ ấy tiếp cận cuộc sống hàng ngày theo hướng gần gũi, bình dị hơn, để văn hóa, truyền thống được giữ gìn và tiếp nối. Cũng như mọi thế hệ, chúng ta đều gửi gắm đời sống tinh thần, tâm linh vào tập tục này, đấy là cách chúng ta tự xoa dịu, tự làm phong phú bản thân. Với người trẻ, chuyện Táo quân có thể là chuyện xưa nhưng sẽ không bao giờ là chuyện cũ.
Trung Vy