Đại học FPT Cần Thơ

Giao thừa – Thời không chuyển tiếp

Nhiều người bảo, giao thừa là một khoảnh khắc và chúng ta, hầu hết đều mong chờ  giờ khắc ấy sau cả một năm dài đằng đẵng. Giây phút kia có gì đặc biệt mà khiến cho hàng triệu người cùng háo hức đón chờ như thế? Phải chăng, bởi vì điểm thời gian ấy là lúc chúng ta có thể ở cạnh người thân, gia đình? Phải chăng, bởi vì giờ phút ấy là lúc chúng ta có thể quên đi những ngược xuôi, vất vả trong cả một năm để đắm mình vào phút giây của sự thay đổi? Có lẽ là vậy.

Đêm giao thừa là đêm của đoàn viên và hội tụ. Chỉ có trong đêm ấy, nỗi khát khao được ở cùng gia đình, ở cùng những người yêu quý mới trở nên mãnh liệt, dạt dào nhất. Lũ trẻ rong ruổi chạy khắp nhà, người già thì ngồi xơi trầu, uống nước. Nhà đông con thì rộn ràng tiếng cười nói, nhà vắng trẻ thì vẫn đầm ấm giữa vợ và chồng. Những kẻ xa quê, những người không thể về nhà ngày Tết, đêm giao thừa là một đêm dài và cô độc. Vào cái khoảnh khắc cuối cùng trong năm, chúng ta đều muốn được ở cùng những người mình thương yêu nhất. Giao thừa vì thế mà đặc biệt.

Dân gian có câu: nghèo quanh năm, giàu ba ngày Tết. Ai vào dịp Tết lại chẳng chuẩn bị cho mình thật nhiều quần áo đẹp. Người lớn sắm sửa đồ đạc cho năm mới còn trẻ con thì cứ phập phồng, náo nức chờ đến đêm giao thừa để được mặc quần áo đẹp, tinh tươm. Một tiếng chuông báo hiệu, một tiếng pháo hoa sáng cả trời, một khoảnh khắc đồng hồ nhảy số. Năm mới đã đến. Giao thừa vỏn vẹn trong một tiếng đếm mà một tiếng đếm ấy lại như thay đổi cả đất trời.

 

Với nhiều người, giao thừa, đơn giản là một khắc chuyển mình. Thế nhưng, không ít người cũng bảo rằng giao thừa không chỉ đơn thuần là một khoảnh khắc mà nó là cả một chuyến hành trình: chuyến hành trình gửi điều cũ, đón chuyện mới. Cả một năm vất vả ngược xuôi thật sự có nhiều điểm tương đồng với sự bộn bề chuẩn bị những ngày cận Tết. Chúng ta háo hức trang trí nhà cửa, quét dọn vườn tược, sắm sửa đồ mới, những gì mới nhất, tốt nhất ta đều giành cho đêm giao thừa và ba ngày đầu năm. Cuộc sống của chúng ta cũng như vậy. Chúng ta bon chen vào chốn xô bồ, rời xa gia đình vì miếng cơm manh áo; chúng ta nhọc công tốn sức, làm lụm sinh nhai. Ta cố gắng nhiều như vậy chẳng phải vì mong đến cuối năm có thể dư dả tiền của, trang hoàng tổ ấm? Ta nỗ lực nhiều như vậy chẳng phải vì ước muốn có được một cái Tết ấm no hạnh phúc bên gia đình? Chuyến hành trình để đến được đêm giao thừa là một chuyến đi mang theo mồ hôi, mang theo nước mắt của mỗi con người. Đoạn đường đến hồi chuông chuyển năm là một chặng đường của nỗ lực, cố gắng và cả khát khao, mong ước. Đêm giao thừa, về bản chất, có thể xem là đêm để tổng kết những gì ta đã làm được, là đêm để chuyển giao những kết quả ta có được trong năm.
 
Mỗi cá nhân đều có cho mình một định nghĩa riêng và một nhận thức riêng về giá trị của đêm giao thừa. Để có thể đến được ngày tận cùng trong năm, con người ta phải trải hành trình của tình yêu, của khát vọng, của cả những vấp ngã khó khăn. Giao thừa đặc biệt bởi ta được trao gửi lòng mình, ta được ở cạnh những người thân yêu và hạnh phúc vì vẫn còn được bên cạnh họ. Không chỉ vậy, lúc chuyển giao của tạo hóa, ai trong chúng ta cũng cảm thấy khoan khoái lạ thường, như được làm mới, được gột rửa. Vào khoảnh khắc thời không chuyển tiếp, vào giây phút đất trời thay da, con người, đổi mới.

Trung Vy

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *