Đại học FPT Cần Thơ

Sinh viên kể chuyện học tiếng Anh tại Trường F

Không chỉ nổi tiếng với môi
trường học tập năng động cùng các môn học đặc sản như Vovinam hay Nhạc
cụ dân tộc, Đại học FPT còn xây dựng cho sinh viên một nền tảng ngoại
ngữ vững chắc khi đưa tiếng Anh vào chương trình học bắt buộc ngay từ
năm nhất. Nhiều bạn học sinh vốn khá sợ tiếng Anh ngay từ những năm cấp 3
nhưng sau khi trải qua những tháng ngày “chơi” cùng tiếng Anh ở trường F
đã hoàn toàn tự tin sử dụng tiếng Anh trong học tập và công việc. Bí
quyết gì đã giúp các bạn vượt qua trở ngại tiếng Anh? Hãy cùng nghe chia
sẻ từ chính các bạn sinh viên Trường F nhé!

Bạn có muốn giỏi tiếng Anh không?
Khi nghe đến câu hỏi này, có bạn sẽ “gạt phăng” nó ra khỏi đầu, thẳng
thừng tuyên bố “Không muốn!”, vì bạn cho rằng dù có muốn thì có làm được
đâu? Nhưng thật ra, chắc là trong nội tâm của bạn lại có một góc nhỏ
nào đó đang le lói nên một ngọn lửa hi vọng. Bạn vẫn muốn bản thân trở
nên ưu tú hơn, chinh phục được thứ ngôn ngữ khó nhằn này!

Vậy tại sao nên học tiếng Anh?
Chúng ta đều biết rõ tiếng Anh đang là xu thế toàn cầu, mọi người đều
đang trau dồi thêm tiếng Anh, cố gắng lấy được các chứng chỉ ngoại ngữ
như TOEIC hay Ielts… Có được điểm Ielts cao sẽ giúp ta có thêm cơ hội
việc làm, mức lương sẽ cao hơn, cũng dễ dàng cho việc du học. Giỏi Tiếng
anh sẽ giúp bản thân mở rộng các quan hệ xã hội, có thể giao tiếp với
bạn bè khắp năm châu bốn biển, tìm hiểu kiến thức thông qua các tài liệu
gốc, lại còn xem được phim Anh Mỹ mà không cần Vietsub nữa… Tiếng Anh
giúp ta nhiều đến thế, nên dù có khó khăn, ta cũng phải “cắn răng” mà
“chiều chuộng” em ấy thôi.

Kỳ lạ quá! Sinh viên trường F có hẳn 1 năm để học tiếng Anh cơ đấy!
Hiểu rõ tầm quan trọng của ngoại ngữ và nỗi ưu sầu của chúng ta, trường
Đại học FPT đã tiên phong trong việc thay đổi phương pháp giảng dạy
tiếng Anh, nhằm giúp sinh viên vừa học vừa chơi cũng có thể nâng cao vốn
ngoại ngữ của mình. Một trong những bước tiến đầu tiên của nhà trường
chính là dành riêng cho sinh viên một năm học ngoại ngữ trước khi bước
vào chuyên ngành. Nói cách khác, sinh viên năm nhất của trường F chỉ cần
“chơi đùa” cùng tiếng Anh và võ thuật, “một lòng một dạ” tập trung cải
thiện trình độ ngoại ngữ của mình.

Tại sao trường F lại dành hết năm đầu tiên cho sinh viên học tiếng Anh?
Nguyên nhân chính là nhà trường mong các bạn sinh viên có một khoảng
thời gian đủ dài để chú tâm cải thiện 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.
Sau khi hoàn thành các lớp tiếng anh căn bản, tin rằng mỗi bạn sẽ nâng
cao hơn trình độ tiếng Anh vốn có của mình. Đây là một bước chuẩn bị vô
cùng cần thiết cho những năm sau- lúc mà ta sẵn sàng cho việc tự học
bằng sách nước ngoài, tự tin viết luận, thuyết trình và làm các đề thi
bằng tiếng Anh.

Vì thế, để bước vào chuyên ngành, mỗi bạn sinh viên năm nhất sẽ phải
vượt qua 6 mức độ tiếng Anh đi từ căn bản đến nâng cao. Từ mức 1 đến mức
4, sinh viên sẽ được học giáo trình Top Notch, 2 mức còn lại sinh viên
sẽ được làm quen với sách Summit. Cụ thể, các mức tiếng Anh ở trường F
được chia như sau: Top Notch Fundametals (mức 1), Top Notch 1 (mức 2),
Top Notch 2 (mức 3), Top Notch 3 (mức 4), Summit 1 (mức 5) và Summit 2
(mức 6).

Tại sao trường lại “pick” giáo trình Top Notch và Summit?
Nguyên nhân đại học FPT dùng giáo trình Top Notch và Summit để đào tạo
tiếng Anh cho sinh viên mới vào trường là vì đây là những giáo trình
tiếng Anh có uy tín trên thế giới, với hơn 3 triệu người học và hệ thống
kiến thức được phân chia hợp lý. Sách có những từ vựng vô cùng “đắt
giá” giúp chúng ta có thể dễ dàng áp dụng vào cuộc sống. Ngoài ra, bộ
giáo trình còn kèm theo đĩa CD, những video hài hước, các bản karaoke
được biên soạn đầy khéo léo, giúp người học hiểu rõ thêm về văn hóa
phương Tây và giúp việc ghi nhớ từ vựng được tốt hơn.

Mỗi mức tiếng Anh sẽ phải học trong bao lâu?
Mỗi mức tiếng Anh sẽ được giảng dạy trong vòng 2 tháng. Để xác định mức
tiếng Anh của mỗi bạn, các tân sinh viên sẽ được làm 1 bài placement
test thông qua hình thức kiểm tra trắc nghiệm ngữ pháp, từ vựng, và 1
bài nghe.

Nếu mình mất căn bản tiếng Anh thì sao?
Đối với các bạn e ngại vì vốn tiếng Anh của mình không được tốt lắm thì
cũng đừng lo lắng quá, vì các bạn có thể bắt đầu học từ mức căn bản nhất
(Top Notch Fundametals). Ở mức 1, thầy cô sẽ dẫn dắt bạn trở về “gốc
rễ” của tiếng Anh, tìm hiểu cách phát âm sao cho chính xác, bước đầu làm
quen với nói và viết những chủ đề quen thuộc của bản thân như giới
thiệu chính mình, nói về gia đình và những người thân yêu… Đây là giai
đoạn khởi động để đi đến lớp có mức độ cao hơn, tìm hiểu các chủ đề đa
dạng và đặc sắc hơn.

Từ Top Notch 1 đến Top Notch 3, mỗi bạn sẽ dần đi sâu hơn về các chủ đề
đã học ở mức 1 và mở ra những vấn đề “hot-hit” cần được giải quyết như ô
nhiễm môi trường, tình trạng nghiện mạng xã hội của giới trẻ ngày
nay… 3 mức này vẫn xoay quanh những gì gần gũi nhất với ta, nhưng ta
sẽ được học thêm nhiều ngữ pháp và từ vựng hay ho hơn, có độ phổ biến
cao khi dùng trong văn nói và viết ngày nay.

Với hai mức cuối cùng, chúng ta đã bắt đầu đi trên con đường “xịn sò” do
các từ vựng và ngữ pháp ở mức độ này vô cùng “sang choảnh”. Đến giai
đoạn này, các bạn đã tự tin mà “chém gió” với tiếng Anh mà không còn sợ
hãi như trước, đôi lúc còn mạnh dạn “phun” ra một loạt từ “cao cấp”
khiến người người trầm trồ nữa kìa.

Sau khi học xong các mức tiếng Anh, trình độ của chúng ta sẽ thế nào?
Học hết 6 mức tiếng Anh này, mỗi bạn đã có thể nghe hiểu và giao tiếp
với người nước ngoài được rồi. Nếu bạn nỗ lực và nghiêm túc, trình độ
sau khi học xong có thể đạt 6.0 Ielts, vì vậy một số bạn có thể bắt tay
vào việc ôn luyện và lấy chứng chỉ tiếng Anh nếu cần. Thêm vào đó, sau
một năm học tiếng Anh, chúng ta sẽ bắt đầu vào chuyên ngành. Từ đây,
việc xem những quyển sách nước ngoài dày cộm, làm bài thi, tìm tư liệu,
thuyết trình và viết bài bằng tiếng Anh cũng không còn là vấn đề nan
giải nữa. Đặc biệt, sau khi vào chuyên ngành, mỗi sinh viên sẽ tiếp xúc
với tiếng Anh chuyên ngành khó hơn và phức tạp hơn. Ví dụ như, dân Kinh
tế còn được học thêm 1 khóa về Ielts 6.0-7.5 sau khi vừa kết thúc 6 mức
tiếng Anh căn bản. Vì thế, tiếng Anh sẽ như một người bạn không thể tách
rời khi học ở nhà F, nên dù chúng ta không muốn đi chăng nữa thì trình
độ tiếng Anh của bản thân sau 4 năm cũng sẽ trở nên “pro” hơn rất nhiều
đó!

Phong cách giảng dạy của trường F có gì khác biệt?
Nhưng điểm thu hút nhất khi học tiếng Anh dưới mái trường nhà F không
phải là giáo trình chất lượng, mà là cách dạy “chất lừ” của các thầy cô
tài năng. Các thầy cô sẽ đa dạng phong cách giảng dạy, giúp sinh viên có
thêm hứng thú khi học tiếng Anh. Đến với lớp học nhà F, tiếng Anh sẽ
không còn là nỗi ám ảnh của việc học thuộc lòng. Hơn hết thảy, giáo viên
đứng lớp sẽ truyền đạt kiến thức bằng vô số hình thức khác nhau như
sáng tạo các trò chơi offline vui nhộn, giới thiệu thêm văn hóa và kiến
thức hay ho thông qua các video đặc sắc, nghe nhạc tiếng Anh giữa giờ,
ghi nhớ từ vựng thông qua sự trợ giúp của công nghệ mới như chơi game
trên nền tảng Quizlet…

Ngoài tiếng Anh, các lớp học sẽ trang bị cho sinh viên một loạt kỹ năng
mềm như cách làm việc nhóm khi thực hiện các dự án lớn nhỏ, tăng khả
năng sáng tạo và diễn xuất khi làm clip, học được cách viết Word chỉn
chu, cách làm PowerPoint thật ấn tượng, hay vô số tips thuyết trình nhằm
“hớp hồn” khán giả… Tin rằng, sau mỗi khóa học, bạn không chỉ nâng cao
vốn ngoại ngữ của mình mà còn gặt hái thêm nhiều kỉ niệm và kỹ năng mềm
đắt giá nữa đó.

Một số chia sẻ của sinh viên khi học tiếng anh ở trường F
Bạn Đỗ Thành Đạt – cựu sinh viên chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm đã bày tỏ: “Đạt thích tất
cả các thầy cô ở FPT, nhưng người khiến Đạt yêu thích nhất là thầy Chí.
Vì thầy Chí là một người thầy rất thương sinh viên của mình. Thầy dành
tình cảm và đánh giá năng lực của từng sinh viên một cách khách quan
nhất, vì thế mà nhiều sinh viên đã giỏi lên và hoàn thiện mình hơn.”

Bạn Đạt chia sẻ thêm: “Nếu so với năm cấp 3 thì Đạt hiện tại đã tự tin
giao tiếp tiếng Anh. Do đặc thù ngành học (Kỹ thuật phần mềm) cần tiếng
Anh khá nhiều nên kỹ năng tự tìm kiếm thông tin cũng như đọc tài liệu
tiếng Anh của Đạt đã hiệu quả hơn trông thấy. Đạt nghĩ rằng nếu sinh
viên nào thật sự tham gia và hòa mình vào môi trường học tập ở FPT thì
khả năng tiếng Anh giao tiếp và đọc hiểu cho công việc cũng như hoạt
động bên ngoài sẽ rất hiệu quả.”

 

 

Đồng ý kiến với Đạt, bạn Nguyễn Thùy Dương – Cựu sinh viên ngành Kinh doanh quốc tế bổ sung: “Dương thích cô An
vì cô vừa đẹp vừa giỏi. Phát âm của cô rất chuẩn, Dương học rất nhiều từ
cô. Trình reading của Dương cũng tăng mạnh từ khi học tiếng Anh ở
trường.”

Ngoài ra, nhờ vào việc học tiếng Anh ở trường, một bạn đến từ ngành Kinh
doanh quốc tế đã có thể tự kiếm tiền nhờ vào vốn tiếng Anh của mình:
“Lúc đầu tớ không nói được một câu tiếng Anh hoàn chỉnh, nhưng sau khi
được rèn luyện ở trường, tớ đã dần tự tin và trình độ tiếng Anh cũng tốt
lên. Thông qua điểm số và phản hồi có tâm của thầy cô, tớ đã nhận ra
lỗi sai và khuyết điểm của mình. Nhờ thế, tớ đã có vốn tiếng Anh ổn
định, kỹ năng bản thân giỏi nhất là writing và hiện tại tớ đã trở thành
gia sư tiếng Anh dạy Ielts rồi đó.”

 
Lời kết

Nhờ vào tâm huyết của nhà trường, sự tận tụy của thầy cô, cùng với
chương trình giảng dạy phong phú và đa dạng đã góp phần giúp sinh viên
FPT chinh phục bộ môn khó nhằn này.

Đã có vô số anh chị vượt qua nỗi sợ hãi tiếng Anh.

Vậy còn bạn, liệu bạn có thể cho bản thân một cơ hội để lật ngược tình thế hay không?

Hãy hòa mình vào ngôi trường F, và cùng nhau nắm lấy chìa khóa để mở ra cánh cổng đầy màu sắc này nhé.

Ami Thanh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *