Thầy Nguyễn Hồng Chí, chủ nhiệm bộ môn Tiếng Anh, vốn là gương mặt chẳng
còn xa lạ gì với sinh viên trường F, nhất là các bạn sinh viên ở những
khóa đầu tiên. “Thương nhớ Miền Tây” là tập tùy bút lan man được góp
nhặt từ những bài
viết được đăng đàn ở khắp nơi trên các báo điện tử và diễn đàn
văn học nghệ thuật, được thầy Chí viết trong những tháng ngày xa quê.
Thầy Nguyễn Hồng Chí, chủ nhiệm bộ môn Tiếng Anh, vốn là gương mặt chẳng còn xa lạ gì với sinh viên trường F, nhất là các bạn sinh viên ở những khóa đầu tiên. Mấy cô cậu học trò cứ hễ nhắc tới thầy Chí thì lại gật gù tấm tắc, “thầy Chí cưng sinh viên lắm”, “hôm nay thầy cho tụi em chơi trò chơi ngoại khóa”, “thầy Chí dạy hay mà còn vui nữa!”. Cái “danh bất hư truyền” về thầy cứ mãi vọng đi vọng lại từ lứa này sang lứa khác, như một “bậc cao nhân” bí ẩn xứ Hovilo. Cái tâm, cái tầm trong nghề khiến mỗi ngày đi dạy của thầy đều là một ngày hạnh phúc và đầy ý nghĩa, truyền cảm hứng và động lực cho biết bao thế hệ sinh viên và cả những đồng nghiệp xung quanh.
“Thương nhớ Miền Tây” là tập tùy bút lan man được góp nhặt từ những bài viết được đăng đàn rải rác ở khắp nơi trên các báo điện tử và diễn đàn văn học nghệ thuật, được thầy Chí viết trong những tháng ngày xa quê. Quyển tùy bút không có bố cục rõ ràng theo từng chủ điểm, “giống như kiểu tâm tình không đầu không đuôi của kẻ si tình đang say men tình ái” (trích Lời Tựa). Mỗi bài viết chứa đựng tâm tình của một người con miền Tây, chẳng có gì ngoài nỗi lòng tương tư sâu nặng với quê hương, làm hành trang mang theo đến nơi phương trời xa xứ. Đó là hành trình cuộc đời, mảng ký ức về miền đồng bằng, là bản “tự sự với đất đai”, mấy lời tâm tình vu vơ mà thấm đẫm nỗi niềm suy tư.
Sự điềm đạm trong tính cách đời thực thấm đẫm vào trong từng lời văn, tiếng nói của quyển tùy bút, nó cứ tuôn ra nhẹ nhàng, trau chuốt mà không hề gượng gạo. Cũng là sự bình dị, chân phương ấy nhưng trong lối hành văn, đặt câu rất mới, rất độc đáo và cũng vô cùng thú vị. Mấy lúc đang đọc chợt phải “khựng lại” vì những câu có cách dùng từ lạ, lạ đến đáng nể, gây ấn tượng bởi cách chắt lọc và lựa chọn từ khớp với cái tinh thần của cả bài viết. Mấy dòng văn tâm tình có vui, có buồn nhưng tất thảy lại đượm một màu buồn man mác. Nó không toát ra thành những tiếng thở dài miên man nhưng rạo rực và cồn cào những thanh âm, hương sắc trong tiếng lòng người con xa quê.
Nói là lan man và lộn xộn nhưng có lẽ các bài viết, ít nhiều cũng đã được thầy sắp xếp, theo một trình tự xuôi theo dòng cảm xúc liền mạch, có khi đứt quãng, nhưng vẫn đủ mượt mà để không bỏ dở bất kỳ dòng tâm tư nào. Đồng hành cùng mối tương tư quê hương dài hạn qua mỗi chặng đường, trên hành trình học hỏi, khai phá và tìm hiểu thế giới, cái nỗi nhớ quê hương bổi hổi bồi hồi, hay có đôi lúc chực trào đến nghẹn ngào, rất đời, rất đỗi thân thương; khao khát được hai lần thắm lại những miền ký ức xưa cũ, đắm mình trong cái không gian vô định của quá khứ, hiện tại và cả tương lai.
Không khó để đồng cảm với những câu chuyện được thầy nhắc đến trong mỗi bài viết, thỉnh thoảng lại bắt gặp được trong những câu chuyện ấy, những điều thân quen, gần gũi. Quyển tùy bút này sẽ là cơ hội để bất cứ ai trong chúng ta có thể cùng ngồi lại thưởng thức, dành chút thời gian xuôi ngược dòng theo những câu chuyện hoài niệm nghe quen mà lạ, lạ mà lại rất quen.
Hiện tại, quyển “Thương nhớ Miền Tây” đang có mặt trên kệ sách của thư viện trường Đại học FPT Cần Thơ. Các bạn sinh viên, quý thầy cô,… có thể đến và tìm đọc để có được đắm mình vào những câu chuyện thú vị này nhé!
Trường An