Đại học FPT Cần Thơ

Cô Nguyễn Thị Thùy Trang – Nữ giảng viên xinh đẹp của bộ môn đặc sản trường F: Nhạc cụ dân tộc không hề khó học nếu có sự kiên trì

Nhắc đến FPT là nghĩ ngay đến hai bộ môn đặc sản nơi đây. Nhạc cụ dân tộc chính là một trong hai đặc sản đó. Để có thể hiểu thêm tại sao trường F lại đưa bộ môn này vào giảng dạy cho các sinh viên, cũng như tìm hiểu sơ về một trong các loại nhạc cụ dân tộc được giảng dạy tại đây. Chúng ta sẽ cùng trò chuyện với cô Nguyễn Thị Thùy Trang – giảng viên môn Đàn Tranh tại ĐH FPT Cần Thơ.

 

Một chút điều cần biết về nữ giảng viên xinh đẹp

 

 

Trong buổi trò chuyện, cô Trang cho biết hiện tại đang giảng dạy bộ môn nhạc cụ dân tộc tại trường ĐH FPT Cần Thơ, cụ thể hơn đó chính là môn đàn tranh. Cô cho biết cô tốt nghiệp Nhạc viện TP.HCM chuyên ngành Biểu diễn Đàn tranh. “Thật ra thì cô đến với nhạc cụ dân tộc cũng là một cái duyên, vì lúc nhỏ mẹ cô thích đàn tranh nên đăng ký cho cô học chung thành ra cô gắn bó với đàn đến tận bây giờ.” – Cô Trang chia sẻ thêm về quá trình bén duyên với nhạc cụ dân tộc của chính mình. Không chỉ dừng lại ở đàn Tranh, cô còn khá đa tài khi chơi được cả đàn T’rưng và biết một chút về đàn bầu và sáo trúc.

 

Hành trình trở thành giảng viên tại FPTU Cần Thơ

 

Khi được hỏi Trong quá khứ cô có nghĩ mình sẽ trở thành giảng viên đàn tranh tại ĐH FPT Cần Thơ không? Cô Trang nói ban đầu cô thật sự chưa nghĩ tới việc sẽ làm việc tại Cần Thơ vì cô muốn làm việc tại Sài Gòn để được ở gần gia đình hơn. Thêm vào đó nữa là trước đó cô đã được có cơ hội làm việc với các sinh viên CLB FTI (CLB nhạc cụ dân tộc) của Trường ĐH FPT TP.HCM nên cô luôn nghĩ cô sẽ trở thành giảng viên và sẽ gắn bó với các bạn sinh viên tại FPTU HCM. “Nhưng trong thời gian đó cô nhận được lời mời từ nhà trường, thông qua thời gian ngắn tiếp xúc và tìm hiểu về ĐH FPT Cần Thơ cô quyết định thỉnh giảng . Sau quãng thời gian làm việc với trường, điều làm cô muốn tiếp tục ở lại giảng dạy là vì các bạn sinh viên ở đây rất đáng yêu và môi trường làm việc cũng rất tốt.” – Cô chia sẻ thêm lý do tại sao lại chọn FPTU Cần thơ để giảng dạy bộ môn mang đầy tinh thần dân tộc Việt Nam này.

 

Theo cô, thế hệ trẻ và gen Z ngày nay, ví dụ gần hơn là các sinh viên cô đã và đang dạy có niềm đam mê hay yêu thích nhạc cụ dân tộc không? Cô có suy nghĩ như thế nào về vấn đề giới trẻ ngày nay đang dần mất đi tình yêu với các văn hóa của dân tộc đặc biệt là ngày càng không có hiểu biết về các loại nhạc cụ dân tộc?

 

“Chắc chắn là có, nhưng không nhiều. Có hiểu mới có yêu. Thật ra các bạn không mất đi tình yêu với văn hóa dân tộc, chỉ là các bạn chưa có cơ hội để có thể tìm hiểu, khám phá được hết cái hay của âm nhạc dân tộc. Là một người Việt Nam, cô tin nếu các bạn có thời gian tiếp xúc với những giá trị truyền thống thì các bạn sẽ cảm thấy tự hào và yêu nó nhiều hơn.” – Cô Trang đáp. Lý do mà các cơ sở của FPTU nói chung và FPTU Cần Thơ nói riêng đưa nhạc cụ dân tộc vào giảng dạy là phần nào giúp cho thế hệ trẻ tức là các bạn sinh viên được tiếp xúc nhiều hơn với tinh hoa văn hóa dân tộc. Một phần cũng muốn kích thích được năng khiếu còn ẩn sâu, hoặc niềm yêu thích nhạc cụ dân tộc của một số bạn sinh viên. Từ đó, tất cả mọi người cùng chung tay giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam từ đời xưa.

 

 

Đàn tranh là một trong các loại nhạc dân tộc được giảng dạy tại FPTU Cần Thơ, cô có thể chia sẻ những thú vị và khó khăn khi học môn này cho các bạn cùng biết được không?

 

Theo cô Trang, học bất cứ một loại nhạc cụ nào cũng vậy, phải trải qua một thời gian khổ luyện mới có thể nhuần nhuyễn được, nên thời gian đầu cô luôn nhắc nhở sinh viên của mình phải kiên nhẫn. Đúng vậy, nhạc cụ không phải là thứ mà ngày một ngày hai là có thể dễ dàng học được, nhất là đối với những bạn không có năng khiếu hoặc khả năng cảm nhạc khá yếu. Nhưng có khó khăn thì cũng có những điều tích cực hơn bù lại, đó là khi học đàn tranh, các bạn sinh viên đã có cơ hội tiếp xúc với văn hóa dân tộc, các bạn rất hào hứng khi đa phần đều là lần đầu được tiếp xúc với nhạc cụ dân tộc. Từ đó các sinh viên nhà F đã nhận ra được giá trị tốt đẹp của tổ tiên để lại và có quyền tự hào với người khác về những gì mình đã học được, hoặc đôi khi có thể “khoe khoang” một chút vì mình đã biết chơi một loại nhạc cụ dân tộc. “Nếu như các bạn nào đã được học thì biết rằng đàn tranh tại ĐH FPT Cần Thơ lên dây theo hệ thống ngũ cung (Sol, La, Do, Re, Mi) không có Si và Fa. Nên để làm được chúng ta phải mượn nốt và nhấn lên một cung hoặc nửa cung. Thời gian đầu các bạn không quen nên luôn tạo ra những âm-thanh-khá-kỳ-lạ nhưng nếu tập tốt thì các bạn sẽ đàn được hầu hết các bài nhạc mới.” – Cô Trang vừa cười vừa nói.

 

 

Kỷ niệm quý giá xen lẫn sự bất lực

 

Trích lời từ một số bạn sinh viên thì cô luôn vui vẻ và có những câu nói làm các sinh viên luôn được thoải mái trong việc học. Tuy nhiên cô cũng vô cùng nghiêm túc trong việc giảng dạy, cô luôn kiên nhẫn, nghiêm túc chỉ dạy cho các sinh viên. “Nhạc cụ khác với những bộ môn khác, nó đòi hỏi khá nhiều ở việc bạn có năng khiếu hay không. Cô hiểu rằng không phải ai cũng có khả năng về âm nhạc nên cô không yêu cầu ở các bạn quá nhiều, chỉ cần siêng năng là được. Vậy nên trong lớp cô luôn cố gắng giữ không khí vui vẻ để các bạn thoải mái và không cảm thấy áp lực với bộ môn này.” – Cô Trang chia sẻ cảm nhận khi được nghe review về mình trong các buổi dạy trên lớp. Chắc hẳn khi giảng dạy ở đây, cô đã có không ít kỷ niệm với các sinh viên của mình. Nhưng đối với cô thì kỷ niệm nào cũng rất đáng quý nên cô không thể kể chi tiết hết được, vì cô nói kỷ niệm của cô tại mái nhà F màu cam này rất nhiều. “Nhưng mà chắc chắn rằng mỗi khóa học các bạn sinh viên đều mang lại cho cô nhiều khoảnh khắc đáng nhớ xen lẫn sự bất lực.” – Giọng điệu chia sẻ có phần hài hước và không biết nói gì hơn với các lớp đàn cô đã dạy.

 

 

Lời nhắn nhủ thân thương đến các sinh viên

 
“Học nhạc cụ dân tộc không khó như các bạn nghĩ, miễn là mình siêng năng và kiên trì với nó. Hy vọng các bạn sau khi học bộ môn này sẽ cảm thấy yêu hơn nhạc cụ và âm nhạc dân tộc Việt Nam.” – Lời nhắn gửi từ cô Trang đến tất cả các bạn trẻ, đặc biệt là các sinh viên của FPTU Cần Thơ.

Cảm ơn cô vì đã dành ra thời gian quý báu của bản thân để chia sẻ về nhạc cụ dân tộc. Chúc cô luôn vui vẻ, hạnh phúc và có nhiều sức khỏe để tiếp tục truyền kiến thức và đam mê nhạc cụ dân tộc đến các bạn sinh viên.

 

Nhật Lam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *