Đại học FPT Cần Thơ

Thầy Nguyễn Trọng Nguyễn: Tiếng Anh là hành trang giúp các bạn sinh viên vững bước tương lai!

Nhìn nhận Tiếng Anh như một công cụ giao tiếp, nhiều người cho rằng chỉ cần tập trung cho kỹ năng Nghe – Nói là đủ. Nhưng sự thật có phải là vậy? Hôm nay hãy cùng Đại học FPT Cần Thơ trò chuyện với thầy Nguyễn Trọng Nguyễn – một thầy giáo được các sinh viên yêu quý bởi sự thân thiện và gần gũi, để tìm hiểu thêm nhé!

Cùng làm quen với thầy Nguyễn Trọng Nguyễn nhé!

“Thầy tên là Nguyễn Trọng Nguyễn. Mặc dù sinh ra tại Cà Mau nhưng thầy lớn lên ở Bạc Liêu – con đường trưởng thành cũng loằng ngoằng hơn người ta. Dù thua “đường đời”, thầy lại khá may mắn trên con đường “Trường”.” – Thầy Nguyễn giới thiệu. Thầy cho biết thầy tốt nghiệp Đại học ngành Sư phạm Tiếng Anh tại Đại học Cần Thơ và sau đó tiếp tục học lên Cao học Ngành Lý luận và Phương pháp Giảng dạy bộ môn Tiếng Anh. Hai từ “duyên” và “nợ” là hai từ thầy dùng để mô tả về việc chọn lựa Tiếng Anh của mình.

Thầy cũng chia sẻ phần nào sự lúng túng, đắn đo trong việc chọn ngành – chọn nghề khi đứng trước ngưỡng cửa lựa chọn của tương lai của các bạn trẻ. Hồi đó, việc lựa chọn ngành cho bản thân còn khó hơn, do khá hạn chế về truyền thông cũng như tiếp cận các nguồn thông tin hướng nghiệp. “Lúc cao điểm ôn thi học kì rồi cuối kì rồi tốt nghiệp, thầy hay giúp bạn giải đề, giải thích lại một số điểm mình hiểu cho bạn. Rồi tới khúc “bí”, thì tra cứu tìm tòi, tìm cách gì đó làm cho bạn mình dễ hiểu bài hơn, không biết mình lỡ “yêu” Tiếng Anh hồi nào không biết. Đến với Tiếng Anh, thầy nhận ra rất nhiều giá trị quý giá trong cuộc sống, học tập, và làm việc. Đối với thầy “quyết tâm, nỗ lực, và không hối tiếc””. – Thầy Nguyễn chia sẻ thêm về quá trình mình “fall in love” với Tiếng Anh.

 

Chính vì tình yêu với Tiếng Anh trong thầy rất mãnh liệt nên thầy đã chọn giảng dạy tại FPTU Cần Thơ. Lý do vì sao ư? Vì thầy nói thầy rất ngưỡng mộ và rất muốn làm việc trong một môi trường mà tất cả các bạn sinh viên đều phải có thời gian học Tiếng Anh trong giai đoạn đầu của Đại học. Với tinh thần “Làm khác để làm tốt” của ĐH FPT, thầy nói về tầm quan trọng của việc học Tiếng Anh như sau: “Đây là một cơ hội tuyệt vời để các bạn sinh viên phát triển năng lực ngôn ngữ, tạo đa nền tảng, và phát triển tư duy cho việc học tập – làm việc sau này, khi những khái niệm như toàn cầu hóa hoặc công dân toàn cầu ngày càng trở nên phổ biến và quan trọng.”

Để trở thành một công dân toàn cầu thì Tiếng Anh là một yếu tố không thể không có. Thầy có thể chia sẻ 4 kỹ năng trong Tiếng Anh sẽ giúp ích gì cho các sinh viên sau khi ra trường không?

“Người ta hay nói vui với nhau học Tiếng Anh như “đú” trend phải không ta? Nhưng theo thầy, việc học Tiếng Anh cũng giống như mình đang rèn một công cụ lao động cho tương lai.”- Thầy so sánh cho chúng ta thấy việc học Tiếng Anh quan trọng như thế nào. Thầy nói việc rèn dũa một công cụ thật tốt sẽ là điều vô cùng cần thiết để sinh viên có thể “gặt” hay “hái” được nhiều thành công trong tương lai. Việc làm như thế nào là tùy mỗi người, thầy Nguyễn không đưa ra một định nghĩa hoàn hảo nhất định vì thầy cho rằng mỗi người sẽ có một cách khác để rèn dũa công cụ của mình đạt đến mức độ hoàn hảo của bản thân đặt ra. Thầy trích dẫn câu nói của John Spence: “What you do today determines who you will be tomorrow.”

“Nếu mình ví 4 kỹ năng như công cụ, thì thầy nghĩ rằng mình có thể ví: Kỹ năng Nghe và Đọc như cái radio, cái truyền hình, hay 1 quyển sách, giúp mình mở rộng đường chân trời cá nhân để bạn không ngừng phát triển; còn kỹ năng Nói hoặc Viết như cái loa để truyền đi những suy nghĩ tuyệt vời của cá nhân bạn. Như vậy, việc tốt ở cả 4 kỹ năng ngôn ngữ, sẽ giúp em phát triển không ngừng và có thể giao tiếp trong đa dạng các bối cảnh” – Thầy Nguyễn chia sẻ thêm.

 

Khi được hỏi kỹ năng nào là quan trọng nhất trong bốn kỹ năng của Tiếng Anh. Thì thầy Nguyễn lại cho rằng không có cái nào quan trọng nhất cả mà các kỹ năng tổng hòa hoàn hảo trong mối quan hệ của chúng. Thầy nói: “Hồi nãy mình ví tiếng Anh như công cụ, vậy thì để công cụ mình càng “bén” thì mình cần chuôi đúc một cách trọn vẹn nhỉ? Cho nên, cả 4 khía cạnh Nghe-Nói-Đọc-Viết đều nên được quan tâm, rèn luyện, và phát triển.” Như thầy đã đề cập, “Nghe – Đọc là kỹ năng cực kỳ quan trọng để tạo nên kiến thức – nội hàm của một cá nhân” hay còn gọi là cái cốt lõi bên trong, hạt nhân của một nguyên tử. Và thầy cho rằng tất nhiên mọi thứ sẽ vô nghĩa nếu một người có quá nhiều ý tưởng hay ho và “ra trò”, nhưng lại không có cách nào để biểu đạt hết được cho thế giới bên ngoài biết. Thì khi ấy, kỹ năng Nói – Viết lại đóng vai trò vô cùng quan trọng khi là một phương tiện để giúp mọi người có thể hiểu ý bản thân mình muốn diễn đạt, hai kỹ năng này như các hạt electron quay xung quanh hạt nhân. Cả hai phần kỹ năng ấy phải cùng hoạt động thì nguyên tử mới hoạt động được và một người khi rèn dũa đủ bốn kỹ năng này sẽ có thể mở khóa tương lai một cách dễ dàng hơn.

Các sinh viên luôn yêu quý thầy do sự gần gũi và dễ thương. Nhưng nghe nói thầy cũng không quá dễ dãi trong việc dạy. Thầy luôn nghiêm khắc những lúc cần thiết nhưng vẫn tạo cho các sinh viên một không khí như gia đình. Thầy có thể chia sẻ thêm về một số kỷ niệm với các sinh viên không ạ

“Nói Nhất quỷ, Nhì ma, Thứ Ba Học trò, nhưng thầy thêm vào Thứ 4 là các “Giáo”. Thầy nhớ nhất là lần rủ mấy “Trò PC18105” – Hồi đó dặn mấy ẻm, đi quên tên về quên bồ nhưng đừng quên mã lớp. Đợt đó, mình dẫn mấy bạn “quẩy” lớp kế bên dịp 20.11.” – Thầy Nguyễn vui vẻ kể.

 

 
“Sáng đó mấy bạn vào, quẩy theo 1 cái bánh to lắm. (Mình điểm danh rồi). Xong, mấy anh than tại mua bánh cho thầy đi trễ, xin điểm danh lại. Mà dễ gì =)))) Thấy mấy ảnh hơi buồn, nên thầy trò bày nhau, kéo qua lớp kế bên của thầy D, mỗi bạn kéo một bạn lớp cạnh qua lớp mình nhốt lại. Còn lớp thì thầy giao cho một bạn canh – bạn này thần tượng thầy D dữ lắm. Chụp hình cùng nhau, đùa giỡn, rồi chia bánh kem nhau ăn. Giao lưu xong mất một số thanh niên, nó qua lớp người ta cái đòi kết nghĩa rồi học luôn lớp người ta.” – Thầy kể tiếp câu chuyện còn dang dở phía trên.
 
Thầy còn nói có lớp thì mấy bạn cho thầy hẳn 1 mớ clip “tóp tóp” vs meme. Nhiều meme cùng các clip chế như thế nhưng thầy rất quý những kỷ niệm đó. Thầy nói các bạn “lẹ lắm, thấy sơ hở là quay liền”. Có thể bộ nhớ của thầy đã đầy bởi vì lưu rất nhiều ảnh và video mấy bạn làm. Đôi khi thầy ngồi nhớ lại cũng “thấy dễ thương lắm”.

 

 

Lời thân thương từ thầy đến các bạn sinh viên.

“Nhắn nhủ” riết mấy bạn trong lớp nghe sợ lắm. Nhưng để kết lời, thầy sẽ chọn một trong những câu nói thầy được những người Thầy/Cô yêu quý của mình từng dặn dò ở những năm còn ngồi ghế nhà trường. – Đừng để 4 năm trôi qua, rồi lúc lại thì thốt lên “Giá như….”

Thời sinh viên đẹp lắm các bạn, hãy học hết mình, trau dồi thật nhiều kiến thức, cũng thật hăng hái, say mê với hoạt động ý nghĩa nhé.

 
Cảm ơn thầy vì đã dành thời gian để trả lời các câu hỏi cho buổi phỏng vấn này. Chúc thầy sẽ luôn có nhiều sức khỏe, niềm vui để cùng “quẩy” với các sinh viên của mình.

                                                Nhật Lam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *