Đại học FPT Cần Thơ

Cô Lê Nguyễn Nguyên Phương và quá trình học cách yêu những điều mình làm

Nếu đã trót “say” giọng nói ngọt ngào của cô Lê Nguyễn Nguyên Phương mỗi khi lên lớp, hãy cùng Đại học FPT Cần Thơ biết thêm về cô thông qua một số câu hỏi phỏng vấn lần này nhé!

 
1.     Cô có thể chia sẻ một số thông tin về bản thân được không ạ?
Cô là Lê Nguyễn Nguyên Phương. Hiện cô đang công tác tại bộ môn Tiếng Anh, Đại học FPT Cần Thơ.

2.     Tại sao cô lại theo nghề dạy và chọn ứng tuyển vào Đại học FPT Cần Thơ?
Thực sự, tiếng Anh từ khi bắt đầu không hoàn toàn là năng khiếu của cô. Từ nhỏ, cô Lê Nguyễn Nguyên Phương đã thích học Ngoại Thương. Vì vậy khi còn học đại học cô đã học song song 2 ngành Ngôn ngữ Anh và  Ngoại thương.

 Mặc dù yêu thích khối ngành kinh tế là vậy nhưng cơ duyên đã đưa cô đến với giảng dạy tiếng Anh và gắn bó với nghề giáo là khi cô cùng các bạn học chung tín chỉ sư phạm. Khi ấy cô bắt đầu cảm thấy hứng thú với việc dạy học và bắt đầu tìm hiểu.

 

 

Và rồi chuyện gì đến cũng đến, cô bén duyên với nghề giáo khi bắt đầu công việc gia sư và giảng dạy cho một số trung tâm, ngày qua ngày lòng yêu thích và nhiệt huyết có thể truyền đạt kiến thức và giúp các bạn còn yếu tiếng Anh cũng như tìm hiểu về nền văn hóa này càng lớn.
Sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ ngành lý luận và phương pháp giảng dạy Tiếng Anh, trong một dịp tình cờ café với bạn bè cô được biết trường đại học FPT Cần Thơ. Được sự động viên từ bạn bè, cô không ngần ngại đăng kí ứng tuyển.

Nếu như một năm trước, khi được hỏi lý do ứng tuyển vào Đại học FPT Cần Thơ, cô đã trả lời rằng cô muốn học hỏi và tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa. Tuy nhiên, sau 1 năm làm việc tại đây, cô hoàn toàn có thể khẳng định quyết định của mình là đúng.

Đây là một môi trường năng động, chuyên nghiệp với cơ sở vật chất hiện đại và luôn đổi mới. Cô đã học hỏi được rất nhiều không chỉ từ các anh chị em đồng nghiệp mà còn từ các bạn sinh viên năng nổ và dễ thương. Những thành tích học tập, nghiên cứu của giảng viên và các bạn sinh viên tại đây thúc đẩy bản thân cô phải học hỏi và trau dồi nhiều hơn.

 

 

3.     Đối với cô, đâu là điều khó khăn hay khác biệt nhất khi dạy các bạn sinh viên, đặc biệt là Cóc nhà Đại học FPT Cần Thơ?
Ngay từ những ngày đầu bước chân vào Đại học FPT Cần Thơ, cô đã cảm thấy rất ấn tượng vì các bạn sinh viên rất lễ phép, luôn chào mình ngay cả khi cô chưa dạy qua các bạn. Các bạn sinh viên trường F đặc biệt rất năng động và sáng tạo.

Đó chính là lợi thế nhưng cũng đồng thời là thách thức khi bài giảng của mình không thể giảng theo kiểu truyền thống. Những tháng đầu tiên cô đã mất rất nhiều thời gian để chuẩn bị bài giảng, tìm hiểu những hoạt động giúp các bạn phát huy tính sáng tạo và nắm được bài.

Và hiển nhiên không bao giờ có chuyện mọi việc đều hoàn hảo. Cô đã không ít lần gặp khó khăn khi đứng lớp và cũng khá nhiều lần cảm thấy bài mình giảng chưa thật sự mang lại không khí làm việc hiệu quả cho các bạn.

Trải qua nhiều lần tự cảm thấy không hài lòng với bản thân, cô đã làm quen với nhiều bạn sinh viên. Từ đó, cô tìm hiểu nhiều hơn về sở thích, cách học và mong muốn của các bạn để có thể tìm ra được phương án thích hợp hơn. Hơn nữa, các bạn trường F bắt trend rất nhanh nên cô cũng phải luôn cập nhật tin tức để không bị các bạn bỏ lại phía sau.

4. Những cách truyền đạt bài học cũng như tiếp lửa cho các bạn sinh viên mà cô tâm đắc là?
Mỗi cây mỗi hoa, mỗi bạn sinh viên sẽ có cách học và tiếp thu kiến thức khác nhau. Vậy nên, cô thường đánh giá khả năng tiếp thu của các bạn qua những hoạt động trong lớp và điều chỉnh cách thực hành thích hợp nhất để các bạn có thể phát huy thế mạnh của mình.

Không khí và môi trường học tập gần gũi, thoải mái luôn khiến con người tiếp thu nhanh và dễ dàng hơn. Chính vì vậy cô luôn tâm niệm: Chân thành là cách đến gần nhau nhanh nhất. Bởi lẽ đó, có một số hoạt động cô sẽ để cho các bạn tự lựa chọn cách và chủ đề mình thích để trình bày.

Qua những hoạt động tự do như thế không chỉ giúp các bạn trong lớp hiểu hơn về sở thích của nhau mà cô cũng sẽ hiểu hơn về sinh viên của mình. Ngoài ra, cô thường hay “thúc” các bạn thi đua với nhau để giành giải thưởng.

Giải thưởng đôi khi chỉ đơn giản là được hỏi các bạn thua bất cứ câu hỏi gì. Thế nhưng, theo cô hầu như tất cả các bạn đều đặc biệt năng nổ vì không chịu thua đội bạn.

5. Những thành tựu trong quãng thời gian còn là sinh viên hoặc khi đã trở thành giảng viên của cô là gì? Có bài học hay lí tưởng nào mà cô theo đuổi đến bây giờ không ạ?

Điều cô cảm thấy mình làm tốt nhất cho đến thời điểm hiện tại chính là vượt qua nỗi sợ hãi và rụt rè của mình để tiến về phía trước. Cô vốn là người khá trầm tính, chính vì vậy hầu như những ai lần đầu tiếp xúc đều sẽ cảm thấy cô khá khó gần.

Khoảng thời gian đầu khi mới vào FU, gặp gỡ quá nhiều các bạn trẻ cũng như đồng nghiệp năng động và tài giỏi thật sự đã khiến cô choáng ngộp. Khi đó có một người anh đã động viên cô. Anh ấy đã hỏi cô: “Liệu cô có thể biến việc dạy hay việc đến trường mỗi ngày là một niềm vui thật sự của mình không?”

 

 

Chính câu hỏi của anh ấy đã làm cô suy nghĩ. Cô quyết định thay đổi bản thân để có thể chạy theo kịp mọi người. Cô dành thời gian để nghiên cứu, tâm sự cùng các bạn sinh viên để tìm ra điểm chung cũng như  biến tiết học của mình thành thời gian để cô trò cùng nhau tìm hiểu, cùng nhau giải quyết vấn đề.

Bên cạnh đó, ngay từ nhỏ cô đã có niềm đam mê với chụp ảnh. Vì vậy, gần đây cô đã tham gia một khóa học chụp ảnh. Sau những giờ dạy hoặc những lúc trống slot, cô thường dạo quanh trường để chụp những bức ảnh ghi lại kỷ niệm ngày hôm đó hay đơn giản là những khoảnh khắc mà cô cảm thấy đẹp.

Chính những điều trên đã biến nỗi rụt rè ban đầu của cô dần tan biến. Nó cũng khiến cô ngày càng yêu công việc và môi trường làm việc của mình hơn. Trải qua thời gian cô chợt nhận ra “Do what you love, and love what you do” thật sự là một câu nói hay.

Tìm được công việc phù hợp với ngành học và năng lực của mình là một cái duyên, nhưng có thể tìm niềm vui thật sự trong công việc mới chính là thứ giúp bạn gắn kết với mối duyên đó.

Đó cũng là những gì cô muốn gửi gắm đến các bạn sinh viên còn cảm thấy “sợ” tiếng Anh. Hãy thử tìm cách “yêu” tiếng Anh một lần để thấy tiếng Anh không quá khó như bạn nghĩ đâu.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *