(Dân trí) – Lê Đình Việt Khanh (sinh năm 2001 tại Quảng Nam) là dân chuyên khối tự nhiên, từng 2 năm liền đạt giải học sinh giỏi Quốc gia môn hóa. Thế nhưng, 10X này hiện sở hữu 3 công bố quốc tế về ứng dụng AI vào các vấn đề y tế.
Viết lách vốn không phải là thế mạnh của Khanh. Thế nhưng, từ khi trở thành sinh viên Trường Đại học FPT và được thầy cô khơi nguồn cảm hứng với nghiên cứu khoa học, Khanh kết thân với bút sách, tài liệu và yêu thích viết luận từ lúc nào không hay.
Lê Đình Việt Khanh từng đạt hai giải học sinh giỏi Quốc gia môn hóa khi còn học tại Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông (Quảng Nam).
Lê Đình Việt Khanh là cựu sinh viên K15 chuyên ngành trí tuệ nhân tạo (AI), Trường Đại học FPT phân hiệu TPHCM và đang là kỹ sư phần mềm cho Công ty Ascenda Loyalty (Singapore).
Hành trình gắn bó với nghiên cứu khoa học của nam kỹ sư được bắt đầu ngay từ năm nhất đại học, khi anh chàng mạnh dạn đăng ký tham gia nhóm làm nghiên cứu về AI của trường, dù trước đó chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
“Thời điểm đó, AI là một ngành rất mới và phải vừa học vừa nghiên cứu, cập nhật thêm rất nhiều thứ. Do vậy, tham gia nghiên cứu khoa học là một việc rất cần thiết, có thể giúp mình nâng cao khả năng tự học, tự tìm hiểu về một chủ đề nhất định, tiếp cận thêm những kiến thức về chuyên ngành đặc thù liên quan”, Khanh cho biết.
Tự nhận bản thân là dân chuyên tự nhiên ít khi viết lách nhưng khi bắt tay vào nghiên cứu, những thế mạnh về tư duy logic, suy luận, phản biện đã giúp Khanh bắt nhịp với việc viết luận khá nhanh. Sau những lần tập tành, viết đi viết lại và được sự chỉ dẫn của giảng viên, nam sinh Trường Đại học FPT không chỉ biết cách chắt lọc và cô đọng thông tin mà còn đã có thể diễn đạt nghiên cứu một cách khoa học, gãy gọn.
Nhờ làm nghiên cứu khoa học mà khả năng sử dụng tiếng Anh của Khanh cũng tăng lên đáng kể, do muốn tra cứu tài liệu, viết luận hay thuyết trình về nghiên cứu của mình tại các hội thảo, anh chàng đều phải sử dụng ngoại ngữ này.
“May mắn là chương trình đào tạo tại Trường Đại học FPT cũng học 100% bằng tiếng Anh, giáo trình, tài liệu nhập ngoại luôn nên mình không gặp nhiều khó khăn trong việc sử dụng ngoại ngữ khi làm nghiên cứu”, Khanh chia sẻ.
Những nghiên cứu của Khanh tập trung vào ứng dụng AI nhằm bù đắp những thiếu hụt về nhân lực y tế, hỗ trợ đội ngũ y tế đưa ra quyết định nhanh, chính xác và hiệu quả hơn. Bằng những nỗ lực và cố gắng vượt bậc không ngừng, ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường, 3 trong số những nghiên cứu khoa học của Khanh đã được công bố quốc tế, trong đó có một báo cáo đăng tải trên tạp chí thuộc danh mục Scopus Q2 (tức nhóm các nghiên cứu có giá trị và ảnh hưởng).
Năm ngoái, 10X còn bay sang Bali, Indonesia để tham gia báo cáo tại hội nghị quốc tế về Hệ thống Thông tin lần thứ 7 – ISICO 2023. Tại đây, Khanh báo cáo đề tài “Nhận diện cây thuốc thông qua Federated Deep Learning (học sâu liên kết)”.
Khanh báo cáo nghiên cứu khoa học của mình tại hội nghị ISICO 2023.
Khi đi làm, Khanh ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng nước ngoài nhờ vốn tiếng Anh, bộ kỹ năng tích lũy khi tham gia nghiên cứu khoa học và chuỗi kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế trong CV.
Hiện tại, Khanh đang tham gia vào quá trình phát triển sản phẩm của Công ty Ascenda Loyalty với vai trò là kỹ sư phần mềm. Công việc đúng chuyên ngành công nghệ thông tin giúp 10X được thỏa sức phát triển bản thân, đặc biệt là làm việc trong một môi trường đa quốc gia, tiếp xúc nhiều đồng nghiệp với đa dạng nền văn hóa.
Hiện tại do tập trung vào công việc chuyên môn nên Khanh thừa nhận không còn thời gian cho việc nghiên cứu khoa học.
“Nhưng đam mê đó vẫn luôn âm ỉ cháy và nếu có cơ hội, trong tương lai chưa biết chừng mình sẽ tiếp tục con đường học thuật này. Từ trải nghiệm của bản thân, mình thấy học ngành nào, làm nghề gì thì cũng yêu cầu khả năng tự học, tự thích ứng với môi trường và có trách nhiệm với công việc mình làm.
Những trải nghiệm và cơ hội có được từ việc tham gia nghiên cứu khoa học, hay việc học tập trong một môi trường trải nghiệm và chú trọng nghiên cứu khoa học như Trường Đại học FPT là nền tảng để bạn có thể rèn luyện khả năng tự học, tự linh hoạt thích ứng với môi trường như thế”, Khanh chia sẻ.