Seashell Stories – dự án làm trang sức từ vỏ sò, vỏ ốc của nhóm sinh
viên Trường Đại học FPT Cần Thơ với thông điệp bảo vệ môi trường biển đã
kêu gọi vốn thành công và nhận được nhiều đánh giá tích cực từ phía hội
đồng thẩm định dự án. Đây là một hoạt động thuộc khuôn khổ môn học Trải nghiệm Khởi nghiệp EXE101.
Tại Trường Đại học FPT Cần Thơ, sinh viên được trải nghiệm khởi sự kinh doanh với môn học Trải nghiệm khởi nghiệp, gồm 3 học phần với các nội dung như: phát triển kỹ năng và tư duy kinh doanh, sáng tạo, phản biện, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, hiểu biết thực tiễn về quy trình khởi nghiệp, coaching/mentoring khảo sát thị trường, xây dựng sản phẩm, kế hoạch kinh doanh, tạo dựng cơ sở khách hàng, cách thức vận hành một start-up…Thông qua việc hợp tác và phát triển dự án theo nhóm (từ 4-6 sinh viên liên ngành), sinh viên có cơ hội nhận được hỗ trợ kinh phí lên đến 50,000,000 đồng khi có dự án đáp ứng tốt các tiêu chí của Nhà trường để hiện thực hoá ý tưởng vào thực tế.
Với ý tưởng sử dụng vỏ sò, vỏ ốc, sao biển để làm trang sức, nhóm sinh viên liên ngành gồm các thành viên Thái Thanh Bình (Thiết Kế Đồ Họa), Huỳnh Ngọc Thanh Thi (Kinh Doanh Quốc Tế), Nguyễn Vũ Đức (Kỹ Thuật Phần Mềm), Nguyễn Đoan Trang (Truyền Thông Đa Phương Tiện), Trần Tuấn Kiệt (Kỹ Thuật Phần Mềm), Phan Thuỵ Thảo Vy (Kinh Doanh Quốc Tế) đã phát triển dự án Seashell Stories.
Dự án lấy cảm hứng từ các vùng biển xanh cùng những vỏ sò, ốc lộng lẫy và phong cách Bohemian. “Seashell Stories“ ngụ ý rằng mỗi chiếc vỏ sò, ốc mang trên mình những họa tiết, màu sắc khác nhau cũng đều có những cuộc đời và câu chuyện khác nhau. Thông qua dự án, nhóm muốn truyền tải thông điệp về tình yêu với biển và bảo vệ môi trường biển cũng như mối liên kết giữa biển cả và con người, từ đó thúc đẩy sự bền vững và xây dựng một cộng đồng yêu thiên nhiên, môi trường.
Trong quá trình thực hiện dự án, nhóm đã lần lượt áp dụng các kiến thức đã học từ môn EXE101 như lên ý tưởng, phân tích tính khả thi của dự án, nghiên cứu thị trường, thử nghiệm sản phẩm, sản xuất sản phẩm, xây dựng các kênh truyền thông trực tuyến để quảng bá và bán sản phẩm.
Sau phần trình bày về dự án Seashell Stories trong buổi báo cáo, nhóm đã được nhiều phản hồi tích cực từ các thầy cô giảng viên về tính thương mại hoá, tính thẩm mỹ, tính công nghệ hoá và mang ý nghĩa cộng đồng. Cùng với đó, nhóm cũng được hỗ trợ cấp vốn 50,000,000 đồng để tiếp tục phát triển dự án và đưa vào thực tế.
Nguyễn Vũ Đức, đại diện nhóm cho biết: “Môn học Trải nghiệm khởi nghiệp giúp sinh viên được học hỏi và áp dụng kiến thức vào thực tế rất tốt. Em không chỉ tích luỹ được nhiều kiến thức mà còn phát triển kỹ năng làm việc nhóm, lập và quản lý kế hoạch, thuyết trình,… Trong tương lai, nhóm sẽ mở rộng sản xuất bằng cách tăng quy mô sản xuất thủ công, đảm bảo nguồn cung nguyên liệu bền vững, tăng cường các hoạt động truyền thông về môi trường biển và marketing cho sản phẩm với mục tiêu được công nhận là một thương hiệu bền vững và thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, nhóm cũng sẽ đa dạng hoá và nâng cấp sản phẩm, tiến hành mở rộng sang phân khúc cao cấp, dùng các nguyên liệu cao cấp hơn như ngọc trai, sà cừ, vàng, bạc,…đồng thời phát triển công nghệ AR và ứng dụng QR để truyền tải thông điệp.