Phùng Viết Hà (sinh năm 1991) làm thủ lĩnh cho loạt dự án công nghệ trị giá triệu đôla nhờ kỹ năng quản lý, giao tiếp… tích lũy khi làm tình nguyện.
Anh bắt đầu vai trò quản lý từ thời đi học. Khi còn học tại Trường Đại học FPT Hà Nội, Viết Hà đảm nhận vai trò Phó chủ nhiệm câu lạc bộ sinh viên tình nguyện. Đến nay, nam kỹ sư đã trở thành Giám đốc Low-code Group, quản lý nhân sự gồm nhiều chuyên gia hàng đầu của FPT Software.
“Nghiệp quản lý đã gắn với tôi như một cái duyên”, anh chia sẻ.
Phùng Viết Hà – cựu sinh viên khóa 5 chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm tại Trường Đại học FPT Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Viết Hà kể lại, khi là sinh viên Trường Đại học FPT, anh luôn đạt điểm rất cao ở môn Quản trị dự án. Từ năm hai, anh bắt đầu tham gia sáng lập câu lạc bộ iGo – câu lạc bộ sinh viên tình nguyện đầu tiên và đưa quân số câu lạc bộ tăng gấp 5 lần, thành câu lạc bộ tình nguyện lớn, hoạt động hiệu quả nhất của trường sau ba năm thành lập.
Kỹ năng trên lớp và trải nghiệm quản trị nhân sự, đội nhóm thực tế từ thời sinh viên ở Đại học FPT đã giúp nam sinh nhanh chóng thích nghi và liên tiếp đảm nhiệm nhiệm vụ quan trọng ở FPT Software Hà Nội, Đà Nẵng.
Phùng Viết Hà (ngoài cùng bên phải) cùng câu lạc bộ iGO trong một hoạt động thiện nguyện. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Sau một thời gian làm việc, Viết Hà quyết định sang Nhật Bản để tạo bước ngoặt cho hành trình sự nghiệp. Nhờ quá trình trang bị song song tiếng Anh và tiếng Nhật khi là sinh viên công nghệ thông tin tại Trường Đại học FPT, anh thuận lợi chuyển đổi môi trường làm việc.
Đảm nhiệm vị trí Delivery Leader tại FPT Japan, cựu sinh viên Đại học FPT trực tiếp quản lý các khách hàng và phụ trách doanh số 7 triệu đô. Lúc này, nam kỹ sư Việt phải thích nghi với môi trường, công việc hoàn toàn mới, đảm bảo KPI thách thức và phải xây dựng đội ngũ mới.
Sau 5 tháng giữ vai trò quản lý ở Nhật, Viết Hà cùng các cộng sự đã lấy được và triển khai thành công hợp đồng triệu đô, lớn nhất từ trước tới giờ ở FPT Software về lĩnh vực Low-code.
Năm 2020, 9x tiếp tục được cấp trên tin tưởng giao trọng trách phát triển một trong những năng lực công nghệ mới về Low-code của FPT Software. “Mục tiêu đề ra là phải đưa Low-code Group tăng trưởng gấp 10 lần, nhưng thời gian đầu do đội ngũ còn mỏng và thiếu kinh nghiệm, lại thêm ảnh hưởng của Covid-19, kết quả bước đầu chỉ đạt tăng trưởng gấp ba”, anh kể lại.
Tuy nhiên, sau đó, Low-code Group đạt kỷ lục doanh thu nhảy vọt hơn 400% (từ 8 triệu USD lên 34 triệu USD) trong giai đoạn 2021-2022. Bên cạnh đó, anh triển khai và mở rộng thành công năng lực Low-code tới hầu hết các thị trường nước ngoài, cũng như các đơn vị phần mềm chiến lược của FPT Software.
Viết Hà chia sẻ, cách để chinh phục các dự án từ nhỏ đến hàng triệu USD của là xây dựng đội nhóm tinh nhuệ và chung chí hướng. Anh đã rèn luyện năng lực này từ ngày còn làm sinh viên và được trường tạo điều kiện để xây dựng câu lạc bộ sinh viên tình nguyện. Cựu sinh viên Trường Đại học FPT đánh giá đây là môi trường dạy ngoại ngữ, chuyên môn tốt và đầy đủ kỹ năng mềm, đồng thời, tạo điều kiện cho sinh viên có trải nghiệm phong phú.
“Trường khuyến khích tinh thần dám nghĩ dám làm với thông điệp ‘làm khác để làm tốt’. Hồi sinh viên, tôi sống trong môi trường ấy và chỉ biết dấn thân trải nghiệm, chưa từng nghĩ những ngày vừa học vừa hoạt động ấy lại thành tiền đề cho sự nghiệp sau này”, anh Hà nói thêm.
Viết Hà (ngoài cùng bên trái, hàng đầu) trong sự kiện kỷ niệm 15 năm thành lập tại Nhật Bản. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đầu năm nay, bên cạnh bổ nhiệm làm giám đốc Low-code Group, Viết Hà được đề cử vào danh sách FPT Under 35 – top những tài năng trẻ của FPT dưới 35 tuổi xuất sắc nhất năm. Theo anh, cách để đạt những mục tiêu thách thức đó là quên đi những con số và chỉ cố gắng làm hết sức, làm đến cùng.
Giám đốc Low-code Group cho biết, người làm quản lý cần có năng lực chuyên môn và khả năng quản trị nhân sự tốt, dẫn dắt đội nhóm để đạt mục tiêu dự án. Công việc này đòi hỏi sự chịu khó quan sát để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như năng lực của từng thành viên, từ đó, sắp xếp vị trí công việc phù hợp.
“Công việc thành công hay không phụ thuộc vào sự gắn kết tập thể vai trò quản lý”, nam giám đốc trẻ nhấn mạnh.
Những ngày làm việc ở nước ngoài, Viết Hà trau dồi chuyên môn, ngôn ngữ, đồng thời, từng bước học cách quản lý đội ngũ hàng trăm nhân sự đa văn hóa và quốc gia. Mỗi ngày, anh dành 30 phút để đi lại nói chuyện với mọi người trong bộ phận. Nhờ quá trình học ngoại ngữ tại Đại học FPT, anh không gặp khó khi kết nối với nhân sự. Ngoài ra, chàng trai sinh năm 1991 học thêm tiếng Hàn để phục vụ công việc.
Viết Hà (áo nâu) quản lý nhân viên đến từ các quốc gia, nền văn hóa khác nhau. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Viết Hà chia sẻ thêm, do chương trình đào tạo của Trường Đại học FPT theo chuẩn quốc tế, giáo trình đều bằng tiếng Anh, anh phải học đồng thời cả tiếng Anh lẫn tiếng Nhật. Điều này là lợi thế rất lớn cho công việc sau này. Từ kinh nghiệm của bản thân, anh khuyên các bạn trẻ nên trang bị cho mình ít nhất một ngoại ngữ, càng nhiều càng tối. Nếu theo ngành Công nghệ thông tin, ngoại ngữ là yếu tố tiên quyết để nhân sự có thể làm những công việc từ cơ bản nhất như đọc tài liệu.
“Các bạn cũng nên tích cực tham gia các hoạt động phong trào, sinh hoạt câu lạc bộ, đảm nhiệm vị trí chủ nhiệm hay trưởng dự án. Những điều này đã giúp mình rất nhiều trong con đường sự nghiệp sau này”, 9x chia sẻ.