Sự phát triển của Trí tuệ Nhân tạo (AI) đã và đang mở ra không gian học tập chủ động, từng bước thay đổi những phương thức giáo dục truyền thống. Nắm bắt được xu hướng này, nhiều diễn giả tại FCLE 2024 đã thực hiện và trình bày nghiên cứu về ứng dụng của AI vào việc giảng dạy ngôn ngữ cũng như thúc đẩy năng lực của người học.
Tại Hội thảo FCLE 2024 diễn ra vào ngày hôm nay 21/1, hai tác giả Lê Thị Trúc Mai và Trần Văn Khuê (Trường ĐH FPT Cần Thơ) đã mang đến nghiên cứu với chủ đề: “The Impacts of Students’ Acceptance of ChatGPT on their Academic Self-Efficacy” (tạm dịch: “Xem xét tác động của sự chấp nhận ChatGPT của sinh viên đối với tự tin học thuật của sinh viên”), được tiến hành tập trung tại các trường đại học tư ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Với phương pháp nghiên cứu định lượng và dữ liệu được phân tích bằng PLS-SEM cùng kích thước mẫu khá đáng kể (263 sinh viên), nghiên cứu đã chỉ ra sự tự tin học thuật của sinh viên có bị tác động bởi thái độ của họ đối với việc sử dụng ChatGTP và không bị tác động bởi những đánh giá của họ đối với tính hữu ích của ứng dụng AI này. Nghiên cứu này được các tác giả và người nghe kỳ vọng sẽ là tiền đề cho việc sử dụng AI để thúc đẩy năng lực học tập cũng như sự tự tin học thuật của các sinh viên.
Diễn giả Lê Thị Trúc Mai đại diện cho nhóm tác giả trình bày nghiên cứu về mối quan hệ của ChatGTP và sự tự tin học thuật của sinh viên
Cùng nói về việc ứng dụng AI vào dạy học ngôn ngữ, hai tác giả Suksan Suppasetseree (Suranaree University of Technology, Thái Lan) và Dương Võ Thành Tâm (Trường ĐH FPT Cần Thơ) đưa ra một góc nhìn khái quát hơn với đề tài nghiên cứu: “Comparison Study of Vietnamese Undergraduate Students’ English Speaking Skills in a Traditional Classroom and AI-Assisted Learning” (tạm dịch: “So sánh kỹ năng nói Tiếng Anh của sinh viên đại học Việt Nam giữa lớp học truyền thống và học tập được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo”).
Diễn giả Dương Võ Thành Tâm đề xuất mô hình lớp học kết hợp giữa lớp học truyền thống và lớp học có sự trợ giúp của AI cùng các phương pháp để tối ưu hoá việc ứng dụng công nghệ trong dạy học.
Nghiên cứu được thực hiện trên 60 học sinh không chuyên đang theo học chương trình General English 2 thông qua các bài kiểm tra độ lưu loát (fluency) và độ chính xác (accuracy) sau khi tham gia lớp học truyền thống và lớp học có sự trợ giúp của AI. Nghiên cứu cho thấy các sinh viên trong nhóm lớp được ứng dụng AI đạt sự tiến bộ rõ ràng hơn so với nhóm lớp còn lại. Từ kết quả này, các tác giả gợi ý các nhà giáo dục có thể kết hợp hai mô hình lớp học truyền thống và lớp học ứng dụng AI, đồng thời xác định rõ mục tiêu lớp học và đưa ra hướng dẫn sử dụng AI một cách cụ thể cho người học.
Tổ chức Giáo dục FPT – fpt.edu.vn